Trước cơn lũ đặc biệt lớn nhất các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, ngày 6-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác trung ương đã thị sát, thăm hỏi người dân các tỉnh đang bị lũ đe dọa.
Nhà ở Hội An ngập đến nóc
Tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nơi xảy ra vụ sạt lở núi làm 10 người chết, mất tích, bảy người bị thương, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi đến các gia đình có người bị nạn, mất mát nhà cửa, yêu cầu địa phương khẩn trương cứu hộ cứu nạn, triển khai các hoạt động cứu trợ, đảm bảo đời sống cho bà con. Đây là huyện có gần 1.500 ngôi nhà bị sạt lở, 16 đập thủy lợi hư hỏng nặng.
Lũ ngập ở Hội An
Lũ ở Quảng Nam gần cán mức đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Từ sáng 6-11, nhiều khu vực trong phố cổ, nước ngập đến nóc nhà. Người dân và du khách ở Hội An chạy lũ.
Tất bật chèo đò chở người dân các phường bị ngập sâu đi sơ tán, chị Nguyễn Thị Hà (trú phường Minh An, TP Hội An) cho hay: Các phường Cẩm Kim, Cẩm Nam bị nước nhấn chìm, nhà chỉ còn thấy nóc.
Tại trung tâm phố cổ, các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng, quảng trường sông Hoài và khu vực chợ Hội An có nơi ngập đến hơn 3 m. Lực lượng chức năng dùng thuyền bè để tuần tra các khu vực nguy hiểm.
Loa phát thanh tại Hội An liên tục phát cảnh báo, nhắc nhở người dân không liều mình đi lại tại các điểm ngập sâu, không cố thủ trong nhà để tránh ảnh hưởng tính mạng khi đêm nay nước sẽ tiếp tục lên.
Đến chiều tối, mưa vẫn còn trút xuống Quảng Nam. Mực nước tại Hội An cao hơn mức báo động 3 gần 1,2 m, tương đương đỉnh lũ lịch sử các năm 1999 và 2007 và đang rút chậm.
Quảng Ngãi: Lũ đang lên nhanh
Đến chiều tối, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng lũ bắt đầu rút nhưng nhiều địa phương của hai tỉnh, thành này còn ngập sâu.
Tại Thừa Thiên-Huế, từ đêm 5-11, kinh thành Huế nước ngập sâu trên 1 m, có nơi ngập đến 1,5 m, mọi sinh hoạt của người dân dường như bị đảo lộn hoàn toàn. Các cửa ra vào thành bị chia cắt, cô lập, người dân di chuyển bằng thuyền, nước vào nhà cả mét. Ngập lụt sẽ kéo dài ở các vùng thấp của huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà.
Tại Đà Nẵng, lũ đang xuống chậm nhưng trong ngày, nhiều xã của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vẫn bị ngập sâu, nhấn hơn 7.500 nhà dân trong nước, nhiều nơi bị ngập trên 2 m. Địa phương đã tổ chức chốt chặn, cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại các khu vực nguy hiểm.
Riêng ở Quảng Ngãi, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ chiều 6-11, địa phương này đang hứng đợt mưa rất to (từ 100 mm đến hơn 200 mm). Lũ đang tiếp tục lên dù đã trên mức báo động 3.
Tại Quảng Ngãi, trưa 6-11, quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi bị chia cắt do nước lũ tràn qua đường ở đoạn qua xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn. Hầu hết các điểm trường mầm non, tiểu học, THCS các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ đều bị ngập; hàng ngàn hecta hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng hoặc bị nước cuốn trôi. Đã có sáu người chết và mất tích do lũ, nhiều nơi tiếp tục di dời dân.
Hàng trăm người đào tìm 3 nạn nhân còn bị núi vùi Đến chiều 6-11, hàng trăm người vẫn còn đào bới tìm ba nạn nhân bị núi lở ở thôn Đàn Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam (ảnh). Trước đó, tối 5-11 xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vùi chín người. Hơn 100 người đến tìm kiếm, cứu sống bốn người đưa đi cấp cứu, năm người còn lại bị vùi lấp trong đất đá. Đến sáng 6-11, lực lượng tìm kiếm tiếp tục tìm thấy thi thể hai người, ba nạn nhân còn lại mất tích.
Dầm mình dưới cơn mưa to ngóng tin người thân, ông Đỗ Quang (con ông Đỗ Mỹ - nạn nhân mất tích) thẫn thờ nói: “Nhà tôi ở phía bên kia đồi, chiều 5-11, thấy mưa lớn nên tôi nói với ba dắt các em và cháu qua nhà hàng xóm cho an toàn, sau đó tôi lên lại công trường làm việc. Vừa đến nơi thì tôi nhận được tin sạt lở vùi lấp nhà ông Trần Văn Long và bà Nguyễn Thị Hồng. Vội vã chạy về thì không thấy ba tôi cùng các em, cháu đâu nữa”. Theo ông Quang, ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã cứu được bốn người thân của ông, tìm thấy thi thể chị dâu, riêng cha ông vẫn mất tích. “Con không ngờ đi lánh nạn lại gặp nạn, đau lòng quá ba ơi” - ông Quang thổn thức nói. May mắn thoát nạn, ông Trần Văn Long vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Mưa lớn, tôi vừa định đưa vợ cùng ba con nhỏ về nhà ngoại chơi thì thấy ông Mỹ dẫn bốn con, cháu đến nơi. Tôi giao nhà cho ông, đưa vợ con sang nhà ngoại. Vừa đến nơi thì nhận tin dữ…” - ông nói. Sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến hiện trường chỉ đạo, lực lượng cứu hộ đang căng mình tìm kiếm người mất tích. HUY TRƯỜNG |