Buổi chiều, tòa tiếp tục phần xét hỏi vụ án bị cáo Nguyễn Tấn Khoa. Đến 4 giờ chiều, chưa kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Quá trình xét hỏi, chủ toạ bày tỏ lo ngại việc kinh doanh có phần liều lĩnh của bị cáo. “Bị cáo quá gan, làm ăn mua bán lúa gạo chịu ảnh hưởng nhiều của thị trường, thời tiết, khí hậu. Thực tế cho thấy 10 triệu đồng tiền lãi/ngày để kinh doanh lúa gạo thì bị cáo khó có thể trả nổi. Bị cáo vay tiền người này trả lãi cho người khác, không hạch toán được kế hoạch kinh doanh nên chủ nợ không tin, đòi trả gốc và lãi một lần".
Bị cáo Khoa tại tòa
Chủ toạ hỏi: “Tiền vay để thu mua lúa gạo trong dân, sau bán lỗ thu về được 4,3 tỉ, sao không trả cho chủ nợ?”.
Bị cáo Khoa: “Bị cáo vay rất nhiều người, ai đòi thì trả, còn không thì tiếp tục đóng lãi”.
Chủ tọa: “Nếu bị cáo là người cho vay thì bị cáo thấy thế nào khi cho vay mà người vay chỉ nói thua lỗ mà không chứng minh được rõ ràng. Người bị hại đâu ưng được việc cho bị cáo vay một cục tiền, bán lúa lỗ được khoảng 4,3 tỉ mà không trả lại cho người ta. Bị cáo lại đem tiền đi trả nợ vay ngân hàng trước đó, trả nợ cho người thân trong gia đình, số tiền còn lại đem gửi ngân hàng lấy tiền lời. Sau khi đã xác nhận nợ với chủ nợ D, bị cáo còn sang tên một miếng đất cho con... Tiền vay ngoài 2%-3%, tiền gửi ngân hàng được lãi bao nhiêu mà không trả cho chủ nợ?”.
Trước các vấn đề mà chủ tọa nêu, ông Khoa cho rằng mình làm ăn trung thực, có lương tâm, không may thua lỗ nhưng chắc chắn đã mượn tiền thì ông phải có trách nhiệm trả. Bằng chứng là ông đã nhận lỗi với chủ nợ, đem giấy tờ tài sản đến thế chấp để được giãn nợ. Tuy nhiên, cụ thể việc làm ăn thua lỗ ra sao thì không thể rạch ròi vì sổ sách không còn. Sang tên cho con trai là đất thừa kế của gia đình.
Đại diện theo uỷ quyền của chủ nợ D. thì cho biết tuy có ký vào biên bản thoả thuận với ông Khoa nhưng chủ nợ không giữ giấy tờ vì đó vì thấy tài sản không đủ để trả khoản nợ 7,4 tỉ đồng.
Chưa kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ ba vấn đề: Các tài sản đang bị kê biên chưa được định giá để xem có tương xứng với số nợ hay không; chưa biết ý chí của vợ chồng chủ nợ D. thế nào khi ký vào thoả thuận do bị cáo viết về đưa tài sản thế chấp để bán trả nợ; việc bị cáo vay tiền ông Q xảy ra ở địa bàn Đồng Tháp, do đó có tranh chấp về lãnh thổ xét xử.