Mở phiên tòa hình sự giải quyết lại phần đất mua bằng tiền lừa đảo

(PLO)- Tòa xử lại phần dân sự bị hủy trong bản án hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến hơn 22 ha đất mà bị cáo đã dùng tiền lừa đảo được để mua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-5 tới, TAND TP Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 347 tỉ đồng xảy ra tại Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam.

Phiên tòa hình sự chỉ xét xử phần dân sự

Điểm đáng chú ý ở giai đoạn này là phiên xử chỉ giải quyết phần dân sự của các bên liên quan.

Vụ án xảy ra từ năm 2009, Lê Hồng Bàng lúc đó là giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam và hai người khác là Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh bị cáo buộc sử dụng ba pháp nhân là Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng ra bốn dự án nhà ở: Dự án 683, dự án Lộc Hòa, dự án Cửu Long, dự án Phương Đông tại các địa điểm thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Ba người này đã lập hồ sơ pháp lý giả, các hợp đồng liên danh… rồi quảng bá dự án, mời chào những người có nhu cầu tham gia dưới hình thức vay vốn, đặt cọc.

Phiên xử sơ thẩm lần hai năm 2014 đối với bị cáo Lê Hồng Bàng. Ảnh: BT

Phiên xử sơ thẩm lần hai năm 2014 đối với bị cáo Lê Hồng Bàng. Ảnh: BT

Vụ án được xét xử sơ thẩm lần đầu năm 2011 với một bị cáo duy nhất là Lê Hồng Bàng (Cường, Linh bỏ trốn nên thời điểm đó Cơ quan CSĐT TP Hà Nội tách ra để xử lý sau). HĐXX tuyên phạt bị cáo Bàng tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo phải bồi thường hơn 199 tỉ đồng cho 269 bị hại. Bản án này sau đó bị hủy.

Xử sơ thẩm lần hai năm 2014, tòa giữ nguyên mức án chung thân với bị cáo Bàng nhưng tuyên buộc bị cáo này phải bồi thường cho hơn 275 bị hại.

Năm 2018, bản án sơ thẩm lần hai này bị cấp phúc thẩm hủy một phần dân sự về việc xử lý mua bán tài sản từ tiền mà bị cáo lừa đảo có được là hơn 22 ha đất; yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra bổ sung, xét xử lại nhằm thu hồi tài sản, đảm bảo bồi thường cho các bị hại.

Nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng

Theo luật sư (LS) Hoàng Kim Minh Châu (Đoàn LS TP.HCM), việc tòa án mở phiên tòa hình sự để giải quyết phần dân sự trong vụ án trên là đúng theo hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Ngoài ra, bản án phúc thẩm lần hai giao hồ sơ về VKS để điều tra, xét xử lại. Đây cũng là điểm mấu chốt giúp cơ quan tố tụng áp dụng luật tố tụng nào (dân sự hay hình sự) để giải quyết vụ án. Cụ thể, trong tố tụng dân sự không có hoạt động điều tra mà chỉ có hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ.

Phân tích thêm, LS Phạm Hoàng Lâm (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng khi vụ án được thụ lý theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự đối với phần dân sự thì các bị hại chỉ đưa ra yêu cầu, cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không phải làm đơn khởi kiện, đơn phản tố hay hòa giải... và cách tổ chức phiên tòa như phiên tòa dân sự.

Đồng thời, việc mở phiên tòa hình sự nhưng chỉ xét xử về phần dân sự mà bị cáo đã bị kết án thì không thể đưa họ ra đứng trước bục khai báo để xét xử một lần nữa.

Khi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan/người tiến hành tố tụng nên đương sự ít phải tự chứng minh hơn.

Cụ thể, trong vụ án này, có thể xem bị cáo là chủ thể bồi thường và bị hại là chủ thể đòi bồi thường. Do đó, để bảo đảm sự bình đẳng, mặc dù mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự nhưng được tiến hành như phiên tòa dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Khi xét xử sẽ như một phiên tòa dân sự không có bị cáo mà chỉ có người bồi thường và người đòi bồi thường.

Nói về điểm khác biệt khi xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự và tố tụng hình sự, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết hai quy trình tố tụng này có những điểm đặc trưng riêng.

Thứ nhất, về thủ tục hòa giải, công khai chứng cứ: Việc giải quyết vấn đề dân sự theo thủ tục tố tụng hình sự không có thủ tục công khai chứng cứ và hòa giải. Tòa không có thẩm quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trước khi xét xử, việc ghi nhận sự thỏa thuận này chỉ được ghi nhận tại phiên xét xử.

Thứ hai, về nghĩa vụ chứng minh: Khi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nên đương sự ít phải tự chứng minh hơn. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự thì nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về các bên đương sự.

Thứ ba, về tạm ứng án phí sơ thẩm: Theo tố tụng hình sự thì đương sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Trong khi theo tố tụng dân sự, các đương sự phải nộp tạm ứng án phí hoặc phải có thủ tục xin miễn, giảm.

Rắc rối việc xử lý tài sản mua bằng tiền lừa đảo

Trong vụ án này, có hai tài sản lớn mà các bị cáo đã dùng tiền lừa đảo được để mua sắm gồm 14 ha đất ở đảo Thẻ Vàng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh và 8,1 ha tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (sẽ được giải quyết ở phiên xử sắp tới).

Trong suốt quá trình tố tụng kéo dài hơn 10 năm, các bị hại đều yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên hai lô đất nói trên để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Theo các bị hại, trong hồ sơ tài liệu cũng như diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều thể hiện có việc các bị cáo giao tiền chiếm đoạt được cho nhân viên đi mua đất; đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng quyền sử sụng, quyền thuê đất, có hợp đồng, có giao nhận đất. Tài liệu cũng cho thấy người bán đã nhận tiền, tiền đã tiêu, không có ý kiến gì, không đòi lại đất.

Vì vậy, các bị hại cho rằng các lô đất này là tang vật của vụ án hình sự, cần được kê biên và bán đấu giá thu hồi tiền để khắc phục hậu quả mà bị cáo gây ra. Theo cách này, giá trị thu hồi qua bán đấu giá có thể sẽ cao hơn nhiều so với số tiền lừa đảo đã được sử dụng để mua đất, như thế lợi ích của các bị hại sẽ được đảm bảo cao hơn.

Tuy nhiên, VKSND TP Hà Nội lại có quan điểm khác.

Trong các văn bản gửi cơ quan xét xử, VKS cũng xác định hai lô đất trên là do Lê Hồng Bàng mua bằng tiền chiếm đoạt được trong vụ án. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng việc mua đất trái quy định pháp luật nên đề nghị tòa tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng. Đối với lô đất ở Hà Nội thì đề nghị giao lại cho UBND phường Minh Khai quản lý; đối với lô đất ở Quảng Ninh thì kiến nghị UBND huyện Vân Đồn thu hồi để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm