Tòa xử phần dân sự trái ngược với bản án hình sự

(PLO)- Cho rằng bản án sơ thẩm tuyên đối với phần dân sự trái với bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực, nguyên đơn kháng cáo, yêu cầu trả lại nhà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, ông PHĐ và vợ chồng ông NTT (nguyên đơn) đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vụ kiện đòi tài sản, bồi thường thiệt hại và hủy quyết định cá biệt giữa họ và bị đơn là Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cùng hai cá nhân khác.

Phần dân sự bị hủy trong vụ án hình sự

Trước đó, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện này. Đây là phiên tòa giải quyết lại phần dân sự trong vụ án hình sự trước đó bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy.

Hình minh họa

Hình minh họa

Năm 2010, hai ông PHĐ và NTT được vợ chồng bà NTKS cấn trừ nợ cho mỗi người một căn nhà tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Các bên đã làm hợp đồng chuyển nhượng tại phòng công chứng. Cùng thời gian này, bản án dân sự phúc thẩm mà bà S là bị đơn đã tuyên bà S có trách nhiệm trả cho bà HTTH 4,7 tỉ đồng.

Trong quá trình THA, LTK (khi đó là chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bình Thủy) và ĐHM (chấp hành viên) đã ký công văn đề nghị cấp giấy chứng nhận cho bà H hai căn nhà mà trước đó đã được bà S chuyển nhượng cho hai ông Đ và T… gây thiệt hại cho hai ông này.

Theo bản án hình sự phúc thẩm năm 2014 đã tuyên phạt bị cáo K ba năm tù, M ba năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và hủy một phần bản án sơ thẩm về tội tham ô tài sản đối với bị cáo K để điều tra lại.

Ngoài ra, tòa còn tuyên hủy phần dân sự về nội dung kiến nghị UBND quận Bình Thủy thu hồi, hủy việc cấp giấy chứng nhận cho bà H hai căn nhà, để giao lại cho hai ông Đ và T, đồng thời “giao hồ sơ cho TAND TP Cần Thơ giải quyết lại nội dung này của vụ án theo thủ tục chung và theo quy định của pháp luật”.

Lý do là từ sai phạm của các bị cáo đã làm phát sinh nhiều nội dung quan hệ về tài sản liên quan đến việc giao và nhận các căn nhà trên. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không giải quyết cụ thể các mối quan hệ về tài sản phát sinh mà lại giao căn nhà trên cho một phía đương sự được quyền sở hữu là việc giải quyết vụ án không triệt để, gây thiệt thòi về quyền lợi cho một bên đương sự không được nhận tài sản.

Cần giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự?

Khi vụ án được đưa ra xét xử mới đây, đại diện VKSND TP Cần Thơ cho rằng đây là phần dân sự trong vụ án hình sự nên phải áp dụng pháp luật tố tụng hình sự để thụ lý giải quyết mới đúng. Năm 2020, VKS đã có văn bản gửi tòa dân sự đề nghị chuyển hồ sơ cho tòa hình sự giải quyết. “Nay tiếp tục đề nghị HĐXX áp dụng pháp luật tố tụng hình sự để giải quyết vụ án mới đúng” - đại diện VKS nói.

Tuy nhiên, trong phần tuyên án, HĐXX cho rằng ý kiến của VKS là không cần thiết vì phần xử lý dân sự trong vụ án hình sự vẫn phải tuân theo BLTTDS.

Tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện

Xử sơ thẩm lại phần dân sự mới đây, TAND TP Cần Thơ đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ và vợ chồng ông T về việc yêu cầu hủy các giấy chứng nhận cấp cho bà H (hiện người mua của bà H đã được cấp giấy) để giao trả cho các nguyên đơn và bồi thường thiệt hại.

Tòa cho rằng việc chuyển nhượng của ông Đ tuy được công chứng nhưng chưa thực hiện việc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nên chưa phát sinh hiệu lực. Và quan trọng là giao dịch giữa ông Đ và vợ chồng bà S xác lập sau khi có bản án sơ thẩm (tuyên vợ chồng bà S phải trả nợ cho bà H). Tòa cho rằng việc này vi phạm quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2001 (hướng dẫn một số quy định về THA).

Với hợp đồng nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông T, sau đó đã sang tên cho ông bà này, tòa cũng cho rằng phát sinh sau ngày có bản án sơ thẩm nên cũng sai. Tòa cho rằng việc thỏa thuận giữa vợ chồng bà S giao nhà cho bà H để trừ nợ là phù hợp quy định pháp luật. “Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn đòi các bị đơn giao trả nhà, bồi thường thiệt hại, yêu cầu hủy quyết định cấp đất cho bà H là không có cơ sở” - bản án nêu.

Không chấp nhận án sơ thẩm đã tuyên, ông Đ và vợ chồng ông T đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đ cho rằng tất cả cơ quan bảo vệ pháp luật đều đã xác định hai căn nhà là của ông Đ và ông T; các chấp hành viên đã cố ý làm trái pháp luật, gây thiệt hại cho hai ông nên mới bị phạt tù.

Ngoài ra, ông Đ cũng cho rằng tòa áp dụng quy định pháp luật không đúng vì Thông tư liên tịch số 12/2001 quy định rõ đối với bản án, quyết định có hiệu lực thi hành. Do đó, thời điểm chuyển nhượng của các ông thực hiện sau khi có bản án sơ thẩm không được xem là vi phạm.

“Đề nghị cấp phúc thẩm xét xử, tuyên trả lại nhà cho chúng tôi và bồi thường thiệt hại vì đây là những tài sản sinh lợi mà bao năm qua chúng tôi không được quyền sử dụng. Cạnh đó, việc ủy ban cấp cho người khác đối với hai căn nhà trên khi đang tranh chấp, tòa chưa giải quyết xong là trái pháp luật” - ông Đ nói.

Phần dân sự tuyên trái với bản án hình sự

Theo tôi, bản án dân sự sơ thẩm chưa giải quyết hết các mối quan hệ liên quan trong vụ này. Cạnh đó, việc xử như vậy là gián tiếp công nhận việc THA giao nhà cho bà H là đúng, các bị cáo không phạm tội. Điều này trái với bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực và các bị cáo đã chấp hành xong bản án.

Đồng thời, việc tòa xử như vậy thì cả ông Đ và ông T đều là người mất tiền (đã được cấn trừ nợ với bà S bằng hai căn nhà trên). Đáng lẽ, hai ông không được trả nhà thì tòa cũng phải buộc bà S có trách nhiệm phải trả số tiền đã nợ hai ông trước đó.

Trong vụ này, nếu hai ông Đ và T cho rằng mình bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của hai chấp hành viên gây ra thì yêu cầu Chi cục THA bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hoặc hai ông muốn đòi lại nhà thì phải kiện người đang trực tiếp quản lý căn nhà đó và đưa cả bà H, vợ chồng bà S, Chi cục THA vào làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Luật sư LÊ QUANG VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm