Mô tô nước, trò chơi trên sông được quản lý ra sao?

(PLO)- Chạy mô tô nước, lái cano, chèo sub.... là một trong những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên sông nếu không được quản lý chặt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, một chiếc mô tô nước Jetski do hai người điều khiển trên sông Sài Gòn hướng từ quận 7 về TP Thủ Đức (TP.HCM) với tốc độ cao đã tông thẳng vào mạn trái một chiếc sà lan. Vụ việc làm hai người đàn ông trên chiếc mô tô nước tử vong.

Việc điều khiển mô tô nước hay các trò chơi dưới nước vẫn luôn là nỗi lo của các đơn vị vận tải đường thuỷ nội địa.

Trao đổi với PLO, ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (đơn vị vận hành tàu cao tốc trên sông Sài Gòn), cho biết việc các mô tô nước hiện nay lưu thông nhiều trên sông Sài Gòn đã tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn cho tàu cao tốc.

Các chuyên gia, đơn vị vận tải đường thuỷ kiến nghị quản lý chặt chẽ các trò chơi trên sông hiện nay. Ảnh: TS.

Các chuyên gia, đơn vị vận tải đường thuỷ kiến nghị quản lý chặt chẽ các trò chơi trên sông hiện nay. Ảnh: TS.

"Mô tô nước đòi hỏi tốc độ cao song không phải cứ có mô tô nước hay có nước là chạy được. Tuy nhiên, tôi chưa thấy một văn bản nào quy định nơi nào được chạy mô tô nước. Nhiều nơi mô tô nước chạy vô tội vạ nên rất nguy hiểm" - ông Hải lo lắng.

Ông Hải kiến nghị Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Cục đường thủy nội địa cần kiểm tra, rà soát tại các địa phương để kiểm soát, cấp phép, quản lý phương tiện này, tránh tình trạng hoạt động vô tội vạ.

Ông Hải thông tin thêm hiện có nhiều người có hoạt động bơi thể thao giữa sông. Tuy nhiên việc này thực hiện trong khu vực có nhiều luồng tuyến với tàu cao tốc, cano, ghe... di chuyển thì không an toàn.

Tương tự, hoạt động chèo sub ở trên sông Sài Gòn cũng đã trở thành một trào lưu được giới trẻ yêu thích, trải nghệm. Tuy nhiên, tàu cao tốc, ghe hay cano khi di chuyển sẽ tác động rất lớn đến nước... từ đó tác động tới người tham gia các trò chơi này.

Chính vì vậy, TP.HCM và các địa phương cần chú trọng kiểm tra, có hướng quản lý hoạt động này để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Đồng tình, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, kiến nghị TP.HCM cần quản lý, quy hoạch các vùng hoạt động vui chơi, giải trí để những phương tiện như mô tô nước, sub hoạt động. Từ đó, các phương tiện này hoạt động có kiểm soát, khép kín và không di chuyển vào khu vực luồng tuyến... tránh gây ra tai nạn đáng tiếc như vừa qua.

Trao đổi với PV PLO, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đối với những hoạt động vui chơi, thể thao trên sông thì phải nằm trong phạm vi được cấp phép. Tuy nhiên, đến nay sở chưa nhận được hồ sơ cấp phép nào cho các hoạt động như chèo sub hay mô tô nước.

Theo Quyết định 19/2020 của UBND TP.HCM về quản lý các hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn TP.HCM, Sở GTVT TP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với quận, huyện, cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định, báo cáo kết quả trình UBND TP.HCM xem xét công bố, cho phép hoạt động tại vùng 2.

Sở GTVT TP.HCM cũng chủ trì, phối hợp Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý hoạt động và đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước của UBND các quận, huyện.

Tại Điều 7 của Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó có điểm không cho phép người lái phương tiện vui chơi giải trí dưới nước điều khiển phương tiện ra khỏi vùng hoạt động đã quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm