Mở trang sách cũ - Bài 2: Văn thi sĩ bán sách

(PLO)- Các nhà sách được sáng lập bởi các văn thi sĩ, vừa là nơi để họ kiếm sống vừa là nguồn tài liệu để họ đọc tham khảo. Thậm chí nhà sách còn là cơ sở để họ hoạt động văn nghệ, cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệu sách của Hải Triều là cơ sở cách mạng; tiệm sách của Hoài Thanh là nơi lui tới của văn nhân, thi sĩ; hiệu sách Nguyễn Khánh Toàn em Nguyễn Tuân là hiệu sách lớn ở Sài Gòn

Bán sách kiêm… tạp hóa

Nhà thơ Tản Đà không chỉ có thi có tửu, ông còn làm báo và xuất bản sách. Khởi đầu, năm 1922 Tản Đà thư điếm được lập nên ở phố Hàng Gai, Hà Nội để bán sách, về sau Tản Đà thư cục ra đời để xuất bản sách.

Quảng cáo Hương Hát thư điếm trên An Nam tạp chí số 1.

Quảng cáo Hương Hát thư điếm trên An Nam tạp chí số 1.

Ở đây, chỉ đề cập đến An Nam tạp chí của ông nhưng với tư cách khác, là tờ báo đăng tin quảng cáo sách cho một người viết sách, viết báo đồng nghiệp kiêm cả nghề… bán sách: Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng.

Hồi ức Nhớ gì ghi nấy của Nguyễn Công Hoan cho biết thời gian những năm 1920, Nguyễn Mạnh Bổng từ Hà Nội xuống Hải Phòng “mở hiệu bán sách (Hương Hát thư điếm) rồi thêm cả bán thuốc, chủ yếu là thuốc lậu (Hương Hát thư điếm dược phòng)”.

Xem trên An Nam tạp chí số 1, ra ngày 1-7-1926, Hương Hát thư điếm tại 92 đại lộ Bonnal (thông tin trên sách Ngọc trai nước giếng xuất bản năm 1923 thì địa chỉ Hương Hát thư điếm lúc đó tại số 1 phố Cầu Đất, Hải Phòng), có quảng cáo bán sách, vở, giấy, bút, các thứ thuốc cao đơn hoàn tán, hàng hóa của Tây, đồ mạ vàng bạc và làm đại lý cho các nhà thuốc. Tại đất Huế, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn mở hiệu sách Hương Giang gần cầu Trường Tiền. Trong tập hồi tưởng Những gương mặt mến yêu của Nguyễn Xuân Sanh, với những kỷ niệm liên quan đến Hương Giang. Ông chủ nhà sách Hải Triều quý hai cậu học trò Trường Quốc học Huế là Huy Cận và Xuân Sanh mới 15, 16 tuổi siêng đọc, hay đến Hương Giang xem sách, đã cho mượn sách để đọc, lại giới thiệu những sách báo mới.

Quảng cáo Hương Giang thư quán trong Điều lệ của Hội Truyền bá Quốc ngữ tổng bộ Huế năm 1939.

Quảng cáo Hương Giang thư quán trong Điều lệ của Hội Truyền bá Quốc ngữ
tổng bộ Huế năm 1939.

Chính tại hiệu sách Hương Giang, Nguyễn Xuân Sanh đã được gặp nhà văn Nguyễn Công Hoan và được ký tặng sách mới Kép Tư Bền khi nhà văn có dịp vào Huế năm 1935.

Tố Hữu trong hồi ký Nhớ lại một thời khi còn đi học, cũng là độc giả thường xuyên đọc cọp tại nhà sách Hương Giang, được ông chủ Hải Triều chủ động cho lấy sách đọc, miễn không làm nhàu sách.

Theo thông tin quảng cáo của Hương Giang thư quán, đăng trong điều lệ Hội truyền bá Quốc ngữ tổng bộ Huế thì nhà sách nằm tại 21 Paul Bert (nay là đường Trần Hưng Đạo), “bán đủ sách học, sách xem, báo chí. Đóng đủ và mạ vàng các sách vở rất đẹp. Mua, bán, đổi sách củ [cũ]”. Không chỉ thế, hiệu còn làm đại lý thuốc nữa. Việc mở hiệu sách của Hải Triều theo Huy Cận, không chỉ đơn thuần bán sách thôi đâu: “Hai vợ chồng anh làm nghề bán sách, bán báo một cách hứng thú và chắc chắn ngoài lý do sinh nhai, anh Hải Triều còn sử dụng hiệu sách của anh như một nơi tuyên truyền văn hóa tiến bộ và có lẽ là một nơi liên lạc bí mật của những người hoạt động cách mạng nữa”.

“Sẽ gửi Dương Xuân sách Tản Đà”

Với riêng Nguyễn Công Hoan, vốn là thầy giáo gõ đầu trẻ trước khi thành nhà văn. Ông còn nhớ năm 1929, khi đang làm giáo học Hải Dương thì thuyên chuyển lên Lào Cai dạy học. Chỉ nhà văn đi thực hiện nhiệm vụ, còn vợ con thì để ở Hải Dương không cho lên cùng, tránh nơi núi non rừng thiêng nước độc. Để vợ con có kế sinh nhai, tại Hải Dương hiệu sách nhỏ Dương Xuân được mở.

Dương Xuân thư quán ở Hải Dương của Nguyễn Công Hoan xuất bản sách Những cảnh khốn nạn của chính tác giả. Ảnh trong bài: ĐÌNH BA

Dương Xuân thư quán ở Hải Dương của Nguyễn Công Hoan xuất bản sách Những cảnh khốn nạn của chính tác giả. Ảnh trong bài: ĐÌNH BA

Không rõ hiệu sách này tồn tại đến bao giờ nhưng vẫn lời tác giả Tấm lòng vàng, năm 1932, khi Nguyễn Công Hoan định lên Hà Nội chơi, Tản Đà biết tin đã gửi danh thiếp biên bốn câu thơ, trong đó có đề cập đến hiệu sách:

Nghe nói rằng ai sắp tới Hà, Thuốc lào Yên Tử nhớ làm quà. Còn nhiều duyên nợ về sau mãi, Sẽ gửi Dương Xuân sách Tản Đà.

Tác phẩm Những cảnh khốn nạn xuất bản năm 1932 của Nguyễn Công Hoan, bìa 1 thể hiện Dương Xuân thư quán tại Hải Dương xuất bản, sách được in xong tháng 9-1932 tại Nhà in Trịnh Văn Bích ở Hà Nội.

Nếu hiệu Dương Xuân của nhà văn Nguyễn Công Hoan được mở để vợ con bán sách độ thân thì theo lời Ngọc Giao, Vũ Trọng Phụng khi lấy vợ, vợ của nhà văn Trúng số độc đắc cũng mở một hiệu sách nhỏ ở đầu phố Hàng Nón làm kế sinh nhai. Khổ nỗi gia cảnh nhà văn vẫn cứ bần hàn, khó khăn vất vả cho tới khi đoản mệnh năm 28 tuổi.

Hoạt động cách mạng và theo nghiệp viết lách, Đào Duy Anh từng phải ngồi xà lim của thực dân Pháp. Năm 1930, ra tù bị quản thúc và kết hôn với Như Mân, cô chủ cửa hiệu sách nhỏ mang tên Vân Hòa “bán đồ nữ công cùng sách vở” tại đất Huế. Tên hiệu được Như Mân chia sẻ là sự hòa hợp giữa các bạn gái vì sự nghiệp chung.

Sau khi kết hôn, họ Đào dạy trường tư thục Phú Xuân. Để cửa hàng sách Vân Hòa thêm thu nhập, Như Mân viết thư cho các nhà xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn để xin làm đại lý bán sách báo. “Các nhà xuất bản này đã biết đến Quan Hải tùng thư từ trước, nay thấy Vân Hòa với Quan Hải tùng thư là một nên sẵn sàng cộng tác. Ở Huế lúc đó cửa hàng sách rất ít nên chúng tôi hầu như không có sự cạnh tranh”.

Cũng như nhiều hiệu sách khác bấy giờ, hiệu Vân Hòa còn làm đại lý bán cao đơn hoàn tán cho các hiệu thuốc lớn ở Hà Nội. Nhờ đó mà thu nhập ngày một tốt để Đào Duy Anh chuyên tâm nghiên cứu.

Mở hiệu sách để khích lệ học trò

Ở Huế, ông Lê Duẩn làm chủ hiệu sách Thuận Hóa. Cùng với hiệu Hương Giang, hai hiệu sách này bán cả sách chính trị như Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản

Ông chủ nhà sách Thuận Hóa cũng khích lệ học trò như Tố Hữu hướng đọc sang cả sách lý luận, chính trị, như có lần đã giới thiệu loại sách ABC về chủ nghĩa Mác cho Nguyễn Kim Thành. Lúc ấy, bề ngoài là chủ hiệu sách nhưng thực chất Lê Duẩn là bí thư xứ ủy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm