Sách của năm 1945 trở về trước không phải ngoại lệ. Khi sách in xong mới phát hiện lỗi sai, hạt sạn cần phải nhặt sửa. Lúc này phải làm gì?
Cách chữa cháy khả dĩ nhất chính là sửa sai, đính chính cho sách.
Xuất bản Nam Kỳ “sửa chữ sái”
“Sửa chữ sái” là lối viết của Nam Kỳ trên sách, báo thời xưa. Theo giải nghĩa của Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến Đức, 1931) thì sái có nghĩa là “sai, không đúng trất ra ngoài”. Nó cũng tương tự như đính chính lỗi sai trên sách hiện nay. Nhưng thay vì thêm tờ giấy in nội dung đính chính, sách năm 1945 trở về trước in trang đính chính, sửa sai ngay trong sách. Và đa phần bản sửa lỗi sai, đính chính in ở phần cuối sách nhưng cũng có những cuốn in ở phần đầu sách, như sách Đọc và học quốc văn của Đoàn Tâm Đan, xuất bản năm 1939, phần đính chính in sau trang Lời nói đầu.
Xem Tài mạng tương đố của Nguyễn Chánh Sắt (Nhà in Nguyễn Văn Của, 1926). Trang 107 của quyển thứ Nhì “sửa chữ sái” của quyển thứ Nhứt và thứ Nhì. Đối với quyển thứ Nhứt có sáu lỗi, xin trích đại diện một số lỗi được sửa như sau: “Trương [trang] thứ 15, hàng thứ hai; câu: tôi mà nhắt… xin sửa lại là: tôi mà nhắc. Hàng thứ 16; câu: cho ta được gần guổi… xin sửa lại là: cho ta được gần gủi [gũi]. Hàng thứ 33; câu: xin thầy thong thỏa… xin sửa lại là: xin thầy thong thả”.
Sách Tài mạng tương đố của Nguyễn Chánh Sắt, trang 107 của quyển thứ Nhì “sửa chữ sái” của quyển thứ Nhứt và thứ Nhì (trái) và trang cải chính như lời bày tỏ tâm tình của tác giả Thơ say. Ảnh: ĐÌNH BA |
Nguyễn Duy Cần khi xuất bản sách Tuệ giác của Phật (Nhà in Đông Phương, 1939), sau phần nội dung sách đã phải dành hai trang để thực hiện “Bản những chữ sái và in thiếu” và chia làm hai cột với bốn hàng tỉ mỉ từ trang đến hàng, rồi chữ bên cột một, tiếp đến cột hai là cột sửa.
Vẫn là sách ở Nam Kỳ nhưng có cuốn không ghi “sửa lỗi sái”, mà dùng chữ Pháp “Errata” với nghĩa bản đính chính. Trường hợp này gặp ở cuốn Nghề làm báo của Nguyễn Văn Đính (Nhà in Thạnh Mậu, 1938). Trước trang Mục lục sách là trang errata và bảng sửa khoa học, chuyên nghiệp chia làm bốn ô lần lượt là số trang, hàng, câu và “xin đọc lại”.
Bảng errata cũng gặp ở sách Trê cóc bản tiếng Pháp của Bùi Văn Lăng, xuất bản tại Hà Nội năm 1945 bởi Nhà xuất bản (NXB) Alexandre de Rhodes. Cuốn Recueil de morale annamite (được biết đến với tên tiếng Việt là Việt Nam luân lý tập thành) của Yên Sa Diệp Văn Cương, xuất bản năm 1917, một bản errata cũng được thực hiện ở cuối sách.
Xuất bản Bắc Trung Kỳ “cải chính”
Nam Kỳ “sửa sái” trên sách thì Bắc Kỳ, Trung Kỳ thực hiện “cải chính” và có vẻ chuyên nghiệp. Hài kịch ba hồi Ông Tây An Nam của Nam Xương (Nam Ký, 1931) có trang “Cải chính” thực hiện bằng bốn cột nhìn rất sáng chia làm cột “số trang”, “ròng [dòng] thứ”, “chữ nhầm” và cột “xin đọc là” và gần với phần đính chính sách hiện nay. Cách cải chính ở Ông Tây An Nam còn bắt gặp ở nhiều đơn vị xuất bản khác tại Bắc Kỳ. Xem tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội của Nguyễn Bính (NXB Lăng Tuyết, 1941), trang cuối sách là trang “Cải chính”. Và vì còn quá nhiều lỗi nên sau khi cải chính 27 lỗi, NXB ghi thêm “Còn nhiều phốt vì thợ in sơ ý, xin các bạn tự chữa”. Lúc này thì độc giả kiêm luôn biên tập viên.
Không đơn thuần chỉ là bản cải chính, có những cuốn khi thực hiện bản cải chính, tác giả còn kèm theo lời xin lỗi. Cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ của Đào Trinh Nhất (Nhà in Thụy Ký, 1924), trong bản “Sửa những chỗ sai”, kèm theo bảng sửa, phía dưới in thêm dòng chữ: “Trong khi in vội, chắc còn có nhiều chỗ sai nữa, xin độc giả lượng thứ”. Xem dòng này, hẳn độc giả cũng mát dạ đôi phần mà bỏ qua cho những thiếu sót trên.
Tập thơ Trời nổi gió thực hiện đính chính ở dưới Mục lục. Ảnh trong bài: ĐÌNH BA |
Có lời cải chính, lý do dù chỉ đưa ra cho có nhưng chắc độc giả cũng hoan hỉ bỏ qua, khi Vũ Hoàng Chương trong trang cải chính của ấn phẩm Thơ say (NXB Cộng Lực, Hà Nội, 1941) được ghi là “Đôi lời cùng bạn đọc” đã trình bày lý do sai do… say thơ. “Trong khi say thơ, tác giả còn để lại trong Thơ say một vài lỗi nhỏ, ghi lại dưới đây, vậy xin các bạn đọc hãy tự tay sửa chữa để gọi là chút bút tích và cũng để gọi là chút công hợp tác của bạn đọc”.
Cũng xin lỗi khi “cải chính”, Đặng Thái Mai giãi bày thêm dưới bản cải chính cuốn Lỗ Tấn thân thế, văn nghệ (NXB Thời Đại, 1944) với lý do tác giả không có mặt ở Hà Nội nên lỗi sai nhiều, xin độc giả lượng thứ. Cuốn này, NXB phải dành tới năm trang để cải chính lỗi trong tổng 228 trang sách. Sách Sự tích và nghệ thuật hát bộ năm 1943, Đoàn Nồng cũng phải dành năm trang cải chính.
Ở Trung Kỳ, tủ sách Quan Hải tùng thư của Vệ Thạch Đào Duy Anh xuất bản tại Huế thực hiện cải chính cũng lối giống cuốn Ông TâyAn Nam. Chẳng hạn cuốn Thế giới sử xuất bản năm 1931 cải chính hai trang, kèm lời giãi bày: “Vì thợ in sai hơi nhiều, vậy trước khi đọc sách, xin độc giả chịu phiền chiếu theo bản cải chính này mà sửa lại trong sách để đọc cho tiện”.
“Cải chính” ở phía dưới Mục lục
Thường thì sách nào in sai, nhầm chữ thì sẽ cải chính ở cuối sách. Ấy nhưng lại có sách dạng nhiều tập, cuốn sau sẽ “cải chính” chỗ sai cho cuốn trước.
Xem Thượng Chi văn tập quyển III (NXB Alexandre de Rhodes, 1944) thì tập này cải chính không chỉ cho bản thân nó, mà còn có phần cải chính “những chỗ in lầm trong quyển thứ II trước”.
Nhiều sách thực hiện việc cải chính sẽ dành trang riêng nhưng cũng có sách lại tận dụng khoảng trống của trang cuối sách để cải chính. Cách làm này thấy rõ ở sách của Duy Tân thư xã. Tập thơ Trời nổi gió (1942), Bụi kinh thành (1942) của Nguyễn Tố đều cải chính ở phía dưới Mục lục.