Mở trang sách cũ - Bài cuối: Độc đáo món quảng cáo

(PLO)- Luật Xuất bản hiện nay cấm mọi hình thức quảng cáo trên bìa sách. Tuy nhiên, thời 1945 trở về trước, sách quảng cáo trên bìa là sự thường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không chỉ quảng cáo trên bìa, trong ruột sách, nhiều cuốn còn dành chỗ cho các trang quảng cáo không kém gì trang báo, tạp chí. Việc quảng cáo này cho thấy uy tín của tác giả, tác phẩm hoặc của nhà xuất bản. Và ở chiều hướng kinh tế, đó còn là một nguồn thu đáng kể.

Quảng cáo thuốc trị trứng cá ngay trên bìa 1 sách Loạn Thái Nguyên số 2. Ảnh: ĐÌNH BA

Quảng cáo thuốc trị trứng cá ngay trên bìa 1 sách Loạn Thái Nguyên số 2. Ảnh: ĐÌNH BA

Quảng cáo rượu thuốc bổ hiệu Ơ-nốt cuối sách Tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Ảnh: ĐÌNH BA

Quảng cáo rượu thuốc bổ hiệu Ơ-nốt cuối sách Tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Ảnh: ĐÌNH BA

Thuốc trị trứng cá lên bìa 1

Sách Ba Lê công xã của Vadervelde do Chấn Sơn, Xuân Tùng biên dịch, Nhà in An Thịnh ấn hành năm 1935 tại Hà Nội là một cuốn sách lịch sử nghiêm túc. Nhưng ngay bìa 2 của sách dành trọn trang quảng cáo cho hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội.

Có những cuốn dung lượng trang rất khiêm tốn nhưng vẫn dành nhiều trang cho quảng cáo, Các nẻo đường trong Nam Kỳ của Bùi Văn Danh, xuất bản năm 1936 là một minh chứng. Sách có 36 trang, trong đó sáu trang quảng cáo nào là bột Phoscao, thuốc trị ho Pilmogénine, dầu Pétrole Hahn, savon (xà bông) Lechat hiệu con mèo…

Việc quảng cáo trên sách có lợi cho nhà quảng cáo, lại có lợi cho nhà xuất bản nên dù nội dung sách có đứng đắn hay bay bổng, thơ mộng thì mặt hàng quảng cáo cứ mặc nhiên hiện diện trên sách, bất chấp có hợp nhãn, có trái mắt độc giả hay không. Vì cái sự tùy tiện này mới có những sự dở khóc dở cười với… quảng cáo.

Loạn Thái Nguyên số 2 in năm 1935 bởi Bảo Ngọc văn đoàn. Trên bìa 1 của số 2 không chỉ là tên sách, tác giả, đơn vị xuất bản và ảnh bìa minh họa, mà ở dưới bìa 1 chiếm khoảng 1/4 bìa là quảng cáo với nội dung: “CHỨNG CÁ!!! Trên mặt đỏ ối, phát lên những mụn, rất khó chịu, dùng thứ thuốc này xoa sẽ lặn hết, nước da nhẵn nhụi, thuốc này như crème càng bôi càng tốt, không hại nước da. Bán tại Binh Hung 67 phố Cửa Nam Hanoi”.

Dù đây thuộc dòng tiểu thuyết ba xu nhưng là tiểu thuyết về lịch sử thì cái sự quảng cáo thuốc ngay bìa 1 kia cho chính hiệu thuốc của nhà xuất bản thật là sự lạm dụng thái quá và coi thường độc giả. Tình trạng này còn bắt gặp ở nhiều cuốn sách khác, chứ không riêng gì Loạn Thái Nguyên.

Việc quảng cáo trên bìa, nội dung sách, kể thực đa dạng các mặt hàng, không kể là những thứ nhạy cảm, đỏ mặt khi đọc…

Đủ mặt hàng cùng lên sách

Trừ trang bìa 1, còn hầu như trang nào cũng có quảng cáo là trường hợp của bộ sách hai tập Tòa đại hình án mạng vì tình của Huỳnh Mai do Nhà in Lưu Đức Phương thực hiện năm 1933. Ở số 1 có 26 trang, phần nội dung quảng cáo dầu Đôn Huân được xuất hiện lặp đi lặp lại ở chân các trang với nội dung “Người Nam Việt nên dùng dầu Đôn Huân”, “Dầu nầy trị đặng bá chứng không thua gì các thứ dầu khác”. Nhiều trang khác quảng cáo phòng trồng răng, ô tô, khách sạn, sâm nhung… Số 2 quảng cáo nghiêm túc thì có ô tô cho đến những thuốc đọc nghe đỏ mặt như thuốc điều kinh, thuốc chữa lậu… trong khi nội dung sách mang tính đứng đắn.

Việc quảng cáo trên bìa, nội dung sách, kể thực đa dạng các mặt hàng, không kể là những thứ nhạy cảm, đỏ mặt khi đọc như các loại thuốc trị bệnh, cho đến những thứ nhẹ nhàng, phổ thông như xà bông, nước giải khát, hiệu ảnh…

Sách Ái quốc đại anh hùng do Tùng Lâm biên thuật, Nhà in Bảo Tồn thực hiện năm 1927, quảng cáo bìa 4 là quảng cáo cho nhà hàng Nguyễn Văn Trận ở đường Bonnard, Sài Gòn bán đủ các đồ Tây, đồ Tàu. Tuồng Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa do Nhà in An Hà thực hiện năm 1933, cuối sách quảng cáo nào hiệu Võ Văn Thời ở Cần Thơ sửa máy móc, đồ điện; rượu thuốc bổ hiệu Ơ-nốt của nhà thuốc Tây Khương Bình Tịnh ở Cần Thơ…

Xứ Đông Dương với đồng Franc hạ giá xuất bản năm 1936 quảng cáo đủ kiểu về hiệu may, nhà bảo sanh, cửa hàng bán vải cho đến tiệm cơm; hay sách Quận, tổng, làng của Phan Văn Thiết xuất bản năm 1944. Sách hành chính là thế nhưng quảng cáo đủ thứ thượng vàng hạ cám. Hết thuốc của hiệu Võ Văn Vân nổi tiếng ở Thủ Dầu Một, Nhà in Nguyễn Phú Hữu ở Sài Gòn cho đến thuốc dán của hiệu Đại Đồng, Sài Gòn.

Có những sách lại quảng cáo cho chính của nhà làm ra. Sách Nguyễn Văn Siêu - Thi ca và tiểu sử của Nguyễn Như Thiệp và Nguyễn Văn Đề do Tân Việt thực hiện năm 1944 thì chỉ giới thiệu một mặt hàng duy nhất ở những trang cuối, là sách của chính đơn vị xuất bản với Thơ Đỗ Phủ do Nhượng Tống dịch, Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm, bộ Nghìn lẻ một ngày và danh mục một số sách kèm giá bán của Nhà xuất bản Tân Việt.

Mảnh trăng thu tập 2 của B.Đ. (Bửu Đình) do Phụ nữ Tân văn xuất bản năm 1931, hết nội dung là đến trang quảng cáo dầu Từ Bi hiệu con trĩ với công dụng, giá cả, cách dùng… và nơi bán không đâu xa lạ, chính là của hiệu Nguyễn Đức Nhuận ở số 42 đường Catinat, Sài Gòn. Ông Nhuận là chủ báo Phụ nữ Tân văn.

Tất nhiên không phải sách nào cũng thực hiện việc quảng cáo, giới thiệu hàng hóa. Có những sách chỉ thuần tập trung nội dung. Thể lệ việc nấu rượu bán rượu ở Đông Dương do Nguyễn Văn Luận dịch, xuất bản năm 1933, Hải Long du ký của Trần Hữu Tư xuất bản năm 1942 hoặc Nho giáo của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1943… là những sách không có bất cứ một quảng cáo lớn nhỏ nào.•

Quảng cáo sách tết

Sách tết là những sách có rất nhiều quảng cáo, không chỉ ở bìa mà cả ruột sách.

Ngay ở cuốn sách tết đầu tiên là Sách xem Tết năm Mậu Thìn của Tân Dân thư quán xuất bản năm 1928 dành riêng tám trang cho quảng cáo; Sách chơi xuân Canh Ngọ của Nam Ký thư quán năm 1930 cứ sau mỗi bài lại có một quảng cáo sách mới của chính Nam Ký ở chân trang.

Sách Tết Nhâm Ngọ cũng của Nam Ký thư quán xuất bản năm 1942 dành riêng năm trang cho quảng cáo, đó là chưa kể những quảng cáo xen kẽ ở các trang nội dung khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm