Mùa mưa đã tới, người dân TP.HCM tỏ ra ái ngại về nguy cơ cây xanh hai bên đường phố, trường học, công viên… có thể bật rễ đổ xuống bất cứ lúc nào. Nhất là những năm gần đây, không ít vụ tai nạn dẫn đến thương vong mà nguyên nhân chính là từ thực trạng trên.
Điển hình, sáng 26-5, cây phượng vĩ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) đổ xuống khiến một học sinh tử vong cùng nhiều học sinh khác bị thương.
Ngán ngại khi ra đường mùa mưa
Theo ghi nhận, các tuyến đường ở quận 1, quận 3 như Trần Hưng Đạo, Huyền Trân Công Chúa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch… hàng cây xanh hai bên đường chủ yếu là cây cổ thụ.
Đáng chú ý, một số cây rễ đã trồi lên khỏi mặt đất, có cây rễ bung ra khiến khối bê tông gần cây có dấu hiệu nứt, vỡ.
Theo em Lý Quốc Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), mùa mưa sợ nhất là việc cây ngã, đổ, rớt cành to. Có những hôm đi học về, cành cây rớt giữa đường khiến em thót tim, may mà không trúng.
“Cây ngã ảnh hưởng đến tính mạng người dân, em hy vọng cơ quan chức năng chú trọng hơn về việc này để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc” - em Minh nói.
Còn cô Nguyễn Thị Nhi (ngụ quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi là người buôn bán tạp hóa ngoài đường, vào ngày mưa có nhiều nhánh ở cây cổ thụ rơi xuống, có hôm rơi trúng người”.
Cô Nhi bày tỏ đã từng chứng kiến người thân bị cây ngã, đổ rồi mất mạng, ám ảnh gia đình cô mãi. Vì vậy, cứ trời có mưa là sợ, có người thân ra ngoài đường càng sợ hơn, khi về đến nhà mới cảm thấy thật sự an tâm.
Cô Nhi bày tỏ: “TP cần có kế hoạch duy tu riêng cho những cây cổ thụ, nếu cảm thấy không đủ độ an toàn thì có thể chặt bỏ và thay thế cây mới”.
Theo ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, hiện nay cây xanh ở TP.HCM nhiều đơn vị tham gia duy tu, chăm sóc. Trước mùa mưa bão, công ty xử lý những cây thuộc công ty quản lý như lấy nhánh… để hạn chế cây bật gốc, đồng thời đánh giá luôn tình trạng cây có nguy hiểm không, sau đó làm báo cáo đề xuất qua đơn vị quản lý để cùng phối hợp xử lý, nếu cây nào nguy hiểm sẽ đốn hạ.
“Công ty thường xử lý phần ngọn cây để đảm bảo an toàn, đồng thời thường xuyên tuần tra, đánh giá, báo cáo và đề xuất đơn vị quản lý để có hướng xử lý những cây không đảm bảo an toàn” - ông Phương nói.
Ông Phương khuyến cáo khi mưa to kèm theo giông lốc, người dân cần hạn chế ra đường nếu không có công việc thật sự cần thiết. Trong trường hợp người dân đang đi trên đường, nếu thấy có tình trạng giông lốc thì nên tìm nơi trú ẩn.
Chiều 19-5, mưa lớn kết hợp gió mạnh khiến hai cây xanh trên đường Võ Văn Tần (quận 3) bị bật rễ đổ xuống đường. Ảnh: NGỌC TRINH
Cần có sự chọn lọc khi trồng cây ở đô thị
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, việc trồng cây xanh trong đô thị có hai mặt: Cây xanh dọc đường phố có bóng mát, điều hòa không khí cho đô thị nhưng nguy cơ gãy, đổ cũng dễ xảy ra. Trong đó, cây cổ thụ rễ cọc, có tính chất rễ bám sâu thì nguy cơ gãy, đổ thấp hơn.
Do đó, TP nên có những chính sách phù hợp để hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro khi trồng cây xanh trên đường phố cũng như các công viên, trường học trên địa bàn TP.HCM.
TP cũng cần có nguồn ngân sách riêng để các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra.
1022 là tổng đài để người dân gọi khi có sự cố về cây xanh. Khi có bất kỳ sự cố gì về cây xanh đô thị như ngã, đổ, trốc gốc, nghiêng, gãy cành… thì người dân có thể gọi ngay tổng đài nói trên để được xử lý kịp thời. Ông VŨ VĂN ĐIỆP, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP |
Theo ông Sơn, về luật pháp, TP nên tham khảo chính sách của nước ngoài về việc cây cối gãy, đổ ngoài đường, nếu cành gãy rơi trúng xe hoặc người thì sẽ bồi thường cho người bị nạn như thế nào.
“Do đó, TP một mặt gắn kết trách nhiệm này cho đơn vị quản lý cây xanh, mặt khác mua bảo hiểm cho các loài cây cổ thụ” - ông Sơn góp ý.
Đồng thời, đơn vị quản lý cần có đội ngũ chuyên gia đánh giá cây xanh có nguy cơ gãy, đổ, sau đó có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt trước mùa mưa bão.
Ông Sơn nói thêm, khi có mưa bão lớn, người dân nên hạn chế lưu thông ngoài đường, bởi vì khi mưa lớn không chỉ là nguy cơ cây gãy, đổ lên cao mà còn tăng cao nguy cơ tai nạn giao thông.
GS-TSKH Lê Huy Bá, Khoa môi trường và biến đổi khí hậu, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nhận định: Cây xanh ở TP.HCM trồng không có chọn lọc mà làm một cách ngẫu hứng.
“Cây xanh nếu trồng là phải được chọn lọc, những loài cây trồng ven đường phải là những cây khó gãy, đổ. Đối với những cây dễ gãy, đổ, dễ bật gốc thì không nên trồng ven đường vì gây nguy hiểm cho người đi đường. Kể cả những cây trồng ở công viên cũng nên có sự chọn lọc” - ông Bá nói.
Ông Bá cho biết thêm, với những cây cổ thụ bị mục, có dấu hiệu bật gốc thì cơ quan chức năng nên có kế hoạch đốn bỏ, tránh gây ảnh hưởng đến người dân. Ngoài ra cần có kế hoạch kiểm tra, duy tu thường xuyên cho cây xanh, xem sức khỏe của chúng như thế nào vì đây cũng là một cơ thể sống cần được chăm sóc.
Cách nhận biết cây có nguy cơ bật gốc Một nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết những biểu hiện thấy bằng mắt như cây bị sam, bọng, hiện tượng nhúm gốc, nghiêng... là những dấu hiệu cho thấy không an toàn. Nếu người dân thấy những tình trạng này thì nên liên hệ ngay với cơ quan chức năng. Những trường hợp này đơn vị cũng sẽ báo cáo với cơ quan chủ quản để xử lý kịp thời. Đối với những cây lâu năm thì nhìn vào sự phát triển của bộ lá, cành nhánh, nếu cây suy yếu thì đề xuất xử lý cho trồng cây mới. Ba loại hình cây xanh Sở Xây dựng vừa có tờ trình kiến nghị UBND TP.HCM phê duyệt chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030. Trong đó có các đánh giá về công tác quản lý cây xanh những năm qua. Cụ thể, đối với hệ thống cây xanh trên địa bàn TP hiện nay gồm có ba loại hình: - Cây xanh đường phố là cây xanh trồng trên các tuyến đường (vỉa hè, dải phân cách, tiểu đảo giao thông, nút giao thông). - Cây xanh trong công viên, mảng xanh là cây xanh được trồng trong các công viên công cộng, công viên khu ở, mảng xanh. - Cây xanh sử dụng hạn chế là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng. |