Một bệnh nhân, 3 cái tên khác nhau?

Một bệnh nhân, 3 cái tên khác nhau? ảnh 1 

Giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật và toa thuốc của cùng một bệnh nhân mang ba tên họ khác nhau - Ảnh: V.CHI

Phiếu hẹn ghi thân nhân phải đưa bé có mặt tại phòng mổ lúc 7g sáng, nếu quá giờ này thì không được giải quyết. Khi mẹ con tôi đến nơi, chưa đến 7g nhưng đã có 7-8 bệnh nhi có mặt. Thời gian chờ thay quần áo, làm thủ tục trước khi mổ cho tất cả bệnh nhi (11-12 cháu) được hẹn mổ “theo yêu cầu” trong buổi sáng đó mất hơn một giờ.

Tất cả các cháu đều được hẹn đến cùng một thời điểm 7g sáng. Phụ huynh đều được dặn cho cháu nhịn ăn uống từ 12g khuya hôm trước để đảm bảo an toàn trong quá trình gây mê phẫu thuật. Vì vậy, trong khi chờ cha mẹ đóng viện phí, rồi chờ các bác sĩ khám lại trước khi phẫu thuật cho đồng loạt các bệnh nhi có hẹn khiến các cháu có tên cuối trong danh sách mổ buổi sáng phải chờ đến gần 11g sáng mới đến lượt kêu tên vào phòng mổ. Con tôi là một trong các cháu được xếp lịch mổ sau cùng. Ngồi đến hơn 10g sáng, con tôi và hai cháu khác vẫn tiếp tục ngồi chờ đã bắt đầu than đói và khát (các bác sĩ cũng không cho phép uống nước).

Ngồi đợi chung với chúng tôi, có phụ huynh bắt đầu sốt ruột khi thấy con mình mệt mỏi và đói, khát. Trong khi đó, phòng chờ phẫu thuật lại phải tiếp nhận những bệnh nhân vào khám để hội chẩn mổ trong ngày nên căn phòng chờ chừng 30m2 chen chúc gần cả trăm bệnh nhi cùng thân nhân. Tiếng trẻ khóc, tiếng nói chuyện ồn ào khiến các bệnh nhi đang phải nhịn đói, nhịn khát để chờ mổ càng mệt mỏi hơn.

Tôi và nhiều phụ huynh khác thắc mắc không hiểu sao bệnh viện xếp lịch mổ hơn chục bé trong buổi sáng mà lại không hẹn lệch giờ? Vì sao bệnh viện không hẹn bệnh nhân tới cách nhau khoảng vài chục phút để các cháu có giờ mổ sau không phải quá mệt mỏi vì chờ đợi. Mà theo thông tin tôi tìm đọc trên Internet, việc quá đói, quá khát cũng dễ dẫn đến biến chứng với thuốc mê trong phẫu thuật.

Một vấn đề khác là hồ sơ phẫu thuật của bệnh nhân. Con tôi tên Ngô Quí Đăng. Khi đăng ký khám bệnh tôi đã viết rất rõ tên cháu vào bìa quyển sổ bằng chữ in hoa nên cũng dễ đọc. Khi phẫu thuật xong, con tôi được bác sĩ tại phòng hồi sức khám lại và đưa bộ hồ sơ của cháu gồm ba loại giấy: giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật và toa thuốc được dán chặt lại với nhau.

Tôi nhìn lướt qua tờ giấy ngoài cùng, thấy đúng là tên con tôi nên cũng không để ý. Đến khi về nhà, xem lại hồ sơ thì thật bất ngờ, trên giấy ra viện tên con tôi được ghi là Ngô Quí Đăng nhưng trên giấy chứng nhận phẫu thuật, bệnh nhân lại mang tên Ngô Cái Băng (cũng với số hồ sơ 198566/11). Còn toa thuốc đính kèm (với ba loại thuốc được kê toa) lại mang tên Ngô Quí Băng. Điều đáng nói là cả ba loại giấy này đều được viết bởi một nét chữ bác sĩ, chứ không phải do nhiều người viết để có tình trạng chữ người này viết người kia đọc không rõ.

Vẫn biết rằng có thể vì đông bệnh nhân, vì phải đọc nhanh, viết nhiều nên bác sĩ có thể nhầm tên họ, chữ lót của bệnh nhân. Thế nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng: tên bệnh nhân còn nhầm chữ nọ thành chữ kia thì không biết tên thuốc và liều lượng thuốc trong đơn kê của bác sĩ liệu có rơi vào trường hợp “chữ tác đánh chữ tộ” hay không?

Khi có bệnh, thường bệnh nhân và người nhà đặt hết lòng tin vào tay nghề cũng như sự kỹ lưỡng trong điều trị của bác sĩ. Mong các bác sĩ đừng để sự cẩu thả, dù trong một chuyện rất nhỏ như ghi tên họ, tuổi tác của bệnh nhân để làm ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh.

Theo V.CHI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm