Một nghiên cứu sinh kiện trường đại học

Ngày 29-7, TAND quận 1, TP.HCM xử sơ thẩm vụ tranh chấp liên quan đến hoạt động giáo dục về luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ. Nguyên đơn trong vụ kiện là ông T., nghiên cứu sinh (NCS) tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Bị đơn được tòa xác định gồm: Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia (QG) TP.HCM, cá nhân giám đốc ĐHQG TP.HCM, cựu hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (là người xác minh khiếu nại của nguyên đơn).

Ngoài ra còn có ba bị đơn khác là thành viên hội đồng đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn gồm: Hai giảng viên của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và một cựu hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.

Phiên tòa diễn ra từ 9 giờ đến 14 giờ cùng ngày nhưng sau khi kết thúc phần hỏi thì HĐXX tuyên bố tạm dừng xét xử, thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

Theo đơn kiện, ngày 9-1-2018, ông T. bảo vệ luận án tại ĐH KHXH&NV TP.HCM trả lời các câu hỏi của hội đồng cấp đơn vị chuyên môn. Sau đó, đại diện hội đồng tuyên bố sẽ thông qua với điều kiện NCS T. phải chỉnh sửa luận án và có sự đồng ý của tất cả thành viên trong hội đồng.

Quang cảnh phiên tòa ngày 29-7. Ảnh: MV

Ngày 12-1-2018, phía nhà trường giao biên bản, quyết nghị của hội đồng cho ông T. với nội dung đề nghị chưa cho NCS bảo vệ luận án cấp trường, đề nghị phải bảo vệ lại.

Ngày 21-6-2019, trường ra thông báo tạm ngưng bảo vệ luận án cấp trường đối với ông T. Trong thông báo trường chỉ ra nhiều vi phạm của ông T. như liên tục có những hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, thậm chí vu khống một số giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường, có dấu hiệu vi phạm Luật Giáo dục đại học.

Sau đó ông T. khởi kiện và được TAND quận 1 thụ lý vào đầu năm 2019. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, ông T. đề nghị tòa giải quyết ba yêu cầu.

Thứ nhất, tuyên bố ba người trong hội đồng đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn vi phạm nguyên tắc dân sự không bình đẳng, không trung thực. Thứ hai, tuyên bố ông giám đốc ĐHQG TP.HCM và cựu hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM xác minh khiếu nại không khách quan. Thứ ba, buộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM bồi thường chi phí bảo vệ luận án, thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông tổng cộng 54,6 triệu đồng.

Theo quy định, để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn thì phải đạt 5/6 phiếu của hội đồng đánh giá lần 1. NCS T. không đạt lần 1 và phải bảo vệ lần 2.

Lần 2, hội đồng có 7 người nhưng 1 người vắng mặt là còn 6 người. Để bảo vệ thành công luận án lần này, NCS T. cần đạt 5/6 phiếu nhưng T. chỉ đạt 3/6 phiếu.

Sau khi rớt cả 2 lần và phải bảo vệ lần 3, NCS T. không hài lòng và đã đi khiếu nại. Tiếp đó, Nhà trường ra quyết định thành lập hội đồng lần 3 cho ông T. bảo vệ và lần này T. đã bảo vệ thành công luận án.

Đại diện của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

 

Sau đó, 4/6 bị đơn có yêu cầu phản tố đề nghị tòa án giải quyết ba yêu cầu. Thứ nhất, tuyên bố yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ. Thứ hai, nguyên đơn đã có những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, uy tín của nhà trường và các cá nhân bị đơn nên ông T. phải chấm dứt và xin lỗi công khai. Thứ ba, nguyên đơn phải bồi thường về tổn thất tinh thần cho ba giảng viên, mỗi người 14,9 triệu đồng.

Tại phiên tòa, ông T. giữ nguyên ba yêu cầu khởi kiện. Đối với yêu cầu phản tố, phía bị đơn rút yêu cầu buộc nguyên đơn xin lỗi công khai vì cho rằng khó thực hiện, không khả thi.

Ông T. trình bày hội đồng đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn đã vi phạm nguyên tắc không bình đẳng, không trung thực.

Cạnh đó, ông T. yêu cầu tòa xem xét với khoản chi phí bảo vệ luận án cấp đơn vị chuyên môn lần hai là 4,4 triệu đồng. Theo ông T., khi ông bảo vệ luận án hội đồng có thể ra một quyết định bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua. Tuy nhiên, nhà trường lại ra quyết nghị sau khi sửa chữa sẽ thông qua và giữ lại khoản chi phí này là không phù hợp.

Đáp lại, phía bị đơn cho rằng không có lý do gì để mình vi phạm nguyên tắc trung thực, không bình đẳng như nguyên đơn đã nêu. Riêng bị đơn là đại diện Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thì cho rằng theo quy định, NCS có được đánh giá thông qua hay không thì vẫn phải đóng chi phí bảo vệ.

Phía nhà trường cũng khẳng định không có việc bao che cho các viên chức như trình bày của nguyên đơn. Ngoài ra, việc này đã được trả lời bằng văn bản cho bộ trưởng Bộ GD&ĐT và báo chí.

Có xúc phạm không, để tòa đánh giá

Tại tòa, ông T. trình bày bị đơn cho rằng ông có những hành vi, lời nói xúc phạm gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhà trường, vậy căn cứ nào để xác định điều này?

Trả lời, luật sư bảo vệ cho phía bị đơn cho biết những chi tiết này có trong thông báo mà nhà trường đã gửi. Cụ thể, ông T. đã có những lời nói về phía nhà trường như không trung thực, bao che... Theo luật sư, HĐXX sẽ xem xét để xác định ông T. có vi phạm hay không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm