Một tiểu hành tinh sắp bay ngang Trái đất

Đài RT cho hay các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái đất (CNEOS) thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện điều này đầu tuần trước.

Theo đó, tiểu hành tinh này được đặt tên là 2019 TA7 và được dự báo sẽ lướt qua Trái đất với tốc độ trên 36.000 km/giờ vào lúc 18 giờ 53 phút (giờ bờ Đông nước Mỹ) ngày 14-10.

Tiểu hành tinh mới có đường kính khoảng 33,8 m và nằm trong danh sách các tiểu hành tinh gần đây được phát hiện đang di chuyển gần Trái đất.

Tiểu hành tinh 2019 TA7 được dự kiến lướt qua Trái đất chiều 14-10 (giờ Mỹ). Ảnh: Pixabay

Theo các nhà khoa học, tiểu hành tinh này có quỹ đạo quanh Mặt Trời khoảng 240 ngày và đi qua Trái đất khoảng một năm một lần.

Nếu tiểu hành tinh này “tiếp cận” Trái đất, nó có thể sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển và phát nổ trên bầu trời do kích thước nhỏ của mình.

Lần quét qua Trái đất vào ngày 14-10  sẽ là cuộc "chạm trán” lần thứ hai trong 115 năm qua khi tiểu hành tinh này quét đi ngang qua ở khoảng cách gần nhất khoảng 1,5 triệu km, gần hơn nhiều so với khoảng cách từ Trái đất đến "người hàng xóm gần nhất" sao Thủy (77 triệu km).

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc 2019 TA7 hoàn toàn vô hại. Tiểu hành tinh này có kích thước lớn gần gấp đôi so với tiểu hành tinh phát nổ trên đất Nga năm 2013.

Hình minh họa tiểu hành tinh sẽ bốc cháy khi tiếp cận gần Trái đất. Ảnh: RT

Các chuyên gia nhiều lần cảnh báo rằng Trái đất không có khả năng phòng thủ khi các tiểu hành tinh đập vào bề mặt.

Trên thực tế, Liên Hiệp Quốc đã dành ngày 30-6 hằng năm là Ngày tiểu hành tinh thế giới trong nỗ lực nâng cao nhận thức về khả năng các hành tinh nhỏ va chạm với Trái đất. Cơ quan này lo ngại các tiểu hành tinh không được phát hiện sẽ gây ra các mối nguy hiểm mà chúng ta không thể ngờ tới, theo RT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm