Tại hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Phân khúc nào phù hợp?” tổ chức sáng nay (24-12) tại TP.HCM, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: Trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP. HCM đã được thiết lập. Thực tế cho thấy, trong quý III/2020, giá căn hộ tăng mạnh từ 15-20% so với quý trước đó.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, kết quả phát triển nhà ở xã hội mới đạt khoảng 41,6% so với mục tiêu đến năm 2020 (5,2/12,5 triệu m2) đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Tình hình phát triển nhà ở thương mại cho thấy hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển loại hình nhà ở thuộc phân khúc trung và cao cấp, ít quan tâm đầu tư tới phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, giá bán thấp phù hợp với khả năng thanh toán của phần lớn người dân đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Ảnh minh họa
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến căn hộ bình dân luôn rơi vào tình trạng khan hàng, ông Khởi cho rằng: ”Loại phân khúc này có lợi nhuận rất thấp, thậm chí có khi còn không có lợi nhuận. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có những chính sách cụ thể nào để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình nhà ở này.”
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định tại TP. HCM, ở phân khúc trung cấp, nếu so với quý IV/2018 thì quý III năm nay giá bán căn hộ đã tăng 1,43 lần. Thậm chí, tại một số dự án giá tăng gấp gần 2 lần.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính chung 9 tháng đầu năm 2020, TP.HCM có hơn 16.000 sản phẩm bất động được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt 75%. Điều này đã tạo nên cơn sốt cho thị trường khu vực.
Ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP. HCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp...
“Tuy nhiên, điều đáng nói là sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính…” - ông Hà khẳng định.