Đây là vấn đề được Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH bàn thảo nhiều nhất khi cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại phiên làm việc sáng nay (18-2).
Đa số đại biểu cho rằng xu hướng thông tin trên mạng qua blog, trang tin, mạng xã hội ngày càng gia tăng và phải được quản lý bằng luật chứ không thể bằng nghị định, thông tư. Nếu không thì trận địa thông tin này sẽ bị bỏ trống…
“Ít nhất chúng ta phải kiểm soát được trong nước. Nếu không ra cái này luật chỉ đạt 40%, còn 60% vẫn để trống trận địa này” - ông Ksor Phước nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.
Cùng nội dung này, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Trang tin điện tử tổng hợp đưa ra ngoài dự thảo luật, vậy nó có phải là sản phẩm báo chí không? Trang này do chính các anh (Bộ TT&TT) cấp phép, trang này truy cập khá nhiều, người dân vào trang này nhiều mà ta lại bỏ ra ngoài, không quản lý. Bỏ ra ngoài thì không biết quản lý thế nào? Không thể để tình trạng báo chí thì dùng luật quản lý còn ông này (các trang thông tin điện tử - PV) thì lại để nghị định quản lý”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi.
Trước đó, trình bày báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho hay có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật.
Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
“Do vậy, UBTVQH đề nghị QH cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo luật. Còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng Internet điều chỉnh” - ông Thi nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng Hiến pháp nói quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, tóm lại là quyền dân chủ. Dân chủ Bác Hồ định nghĩa ngắn nhất: “Dân chủ tạo điều kiện cho người ta và làm cho dân mở mồm ra”. Hiến pháp nói quyền tự do chỉ hạn chế bằng luật. Vì vậy hạn chế gì thì đưa vào luật, không đưa vào nghị định, thông tư.
“Trào lưu xã hội người ta ít mua báo, sách mà chỉ mở điện thoại đọc. Các đồng chí nói cái này không phải báo nên quản bằng nghị định nhưng nghị định mà đụng quyền tự do thì không được. Chỗ này phải tính. Nếu chưa quy định cụ thể chỗ này thì phải đưa vào luật tương đối có tính nguyên tắc chứ nói đã có nghị định có rồi, không đưa vào thì không ổn chút nào. Quản lý là tạo môi trường và cấm anh việc này, việc kia. Còn ta dùng quản lý siết lò xo lại không cho làm là không được đâu. Tôi nghĩ phải có khía cạnh ấy” - Chủ tịch QH nói.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng.