Lo học sinh (HS) bị gián đoạn việc học khi kỳ nghỉ kéo dài do dịch COVID-19, nhiều trường học trên địa bàn TP đẩy mạnh việc dạy học online dưới nhiều hình thức khác nhau.
Lo HS chểnh mảng việc học
“Con giỏi lắm! Con rèn chữ tròn nét, rõ ràng hơn nhé, khoảng cách giữa các chữ thưa sẽ rõ, đẹp hơn”. Đi kèm với dòng tin nhắn là những phiếu hình ảnh các loài hoa xinh xắn được cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận 12 gửi tặng cho các HS qua group Zalo.
Sợ học trò nghỉ lâu sẽ quên bài, tận dụng group Zalo sẵn có, cô Bảo Trân, giáo viên trường, đã giao bài tập cho các em. Mỗi ngày các em sẽ học đọc, viết và làm hai bài toán nhỏ. Các bài tập sẽ được phụ huynh gửi lại trên group khi làm xong. “Những trò làm bài tốt sẽ nhận được những bông hoa điểm tốt. Những bông hoa này, trò sẽ được nhận khi đi học trở lại. Nhận được nhiều hoa, học trò sẽ được đổi lấy một món quà ưa thích” - cô Trân cho biết.
“Điều khiến tôi lo lắng nhất là HS nghỉ học quá lâu” - bà Đỗ Thị Thanh Thiên, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngôi Sao, quận Bình Tân, tâm sự.
Theo bà Thiên, nếu là hè, HS có thể đi học hay tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bên ngoài. Nay do dịch bệnh, để tránh lây lan, tất cả hoạt động ngoại khóa đều bị hạn chế. Với thời gian rảnh quá nhiều, các em dễ sa vào những trò chơi vô bổ. HS bị gián đoạn học tập lâu, khi trở lại trường sẽ cực kỳ ỳ ạch.
Do đó, ngay từ đầu tháng 2, trường đã triển khai việc dạy học trực tuyến bằng công cụ Zoom và Edmodo. Trường cũng liên tục tập huấn giáo viên (online và offline, trực tuyến và tập trung) về các công cụ và phương pháp dạy học trực tuyến. Việc học online có thời khóa biểu cụ thể từng môn, từng kiến thức học.
Tương tự, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, việc học trên mạng được thực hiện với thời khóa biểu từng môn rõ ràng. Cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên địa lý của trường, cho biết cô thường dạy qua group Messenger của Facebook, group link của Google Drive, thậm chí cô còn livestream để giải đáp những thắc mắc của HS.
Theo cô Hiệp, trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, cô chủ yếu cho HS ôn lại kiến thức và làm một số câu hỏi trắc nghiệm. Còn hai tuần này, các em sẽ tìm hiểu kiến thức của những bài mới qua link bài được gửi kèm. Để hiểu bài mới, HS sẽ được hướng dẫn kỹ cách tự học, cách sử dụng tài liệu, bản đồ và những trang web để tham khảo. Sau đó, các em sẽ làm bài kiểm tra, giáo viên sẽ biết được các em đang thiếu phần kiến thức nào để ôn tập.
Còn đối với môn lịch sử, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho hay để HS thích thú với việc học thì thầy chia HS thành hai đối tượng.
Đối với HS lớp 10, 11 và 12 khối tự nhiên, do không áp lực về bài vở nên sẽ đọc sách giáo khoa, làm bài trên mạng. Còn đối với lớp 12 ban xã hội, giáo viên sẽ sử dụng phần mềm 789 để giao bài cho các em. Sau khi kiểm tra, đối với những bài làm tốt, giáo viên sẽ cộng thêm điểm trong học kỳ 2.
Dù ở khu vực ngoại thành nhưng Trường THCS - THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ vẫn triển khai việc dạy học online. Bên cạnh việc giáo viên tận dụng những công cụ sẵn có để giao bài như Zalo, Facebook, trong tuần này trường kết hợp với VNPT để tập huấn chuyên sâu về cách dạy học trực tuyến.
Phương pháp dạy học online được Trường THCS - THPT Ngôi Sao, quận Bình Tân, sử dụng từ đầu tháng 2 với mong muốn giúp HS duy trì việc học online cho trò qua group Facebook. Ảnh: NTCC
Cô Mai Phương, giáo viên Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân đang dạy học. Ảnh: MINH TÂM
Chỉ là giải pháp tình thế
Dù liên tục triển khai và sử dụng nhiều công cụ khác nhau, thậm chí có tập huấn chuyên sâu nhưng nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng việc dạy và học online chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch.
Bà Đỗ Thị Thanh Thiên thừa nhận: “Việc học trực tuyến phần nào giúp HS duy trì nhịp độ học tập, sử dụng thời gian rảnh một cách tích cực. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể thay thế được việc học tập, rèn luyện thực sự trên lớp”.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, cho hay việc dạy học online còn nhiều bất cập dù phòng cũng như Sở GD&ĐT có giới thiệu đối tác cho các trường.
“Hai đơn vị chuyên về công nghệ thông tin có xuống trường làm việc nhưng không đáp ứng được yêu cầu của trường nên không thể triển khai. Do đó, các thầy cô chủ yếu ôn bài cho HS qua cổng thông tin điện tử của trường, Facebook và Zalo. Tuy nhiên, việc dạy online chỉ là giải pháp tình thế, để các em ôn lại kiến thức, duy trì việc học”.
Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận 1 cũng chia sẻ thêm, thực tế hiện nay không phải HS nào cũng có điều kiện để học online. Và HS, phụ huynh cũng không có sự chuẩn bị cho cách học này. Cho nên cách dạy hiện nay chỉ để tạo sự yên tâm về mặt tâm lý cho giáo viên, HS và phụ huynh. Ngoài ra, để các em duy trì sự kết nối với giáo viên và bạn bè. Có như vậy, khi trở lại trường các em sẽ bắt nhịp một cách nhẹ nhàng.
Nhìn nhận thực tế, thầy Nguyễn Viết Đăng Du khẳng định: “Việc học online do không chuẩn bị trước nên đa phần giáo viên đều ở trong tư thế bị động. Vì thế, mọi người đừng nên trông đợi phương pháp này có thể thay thế được việc học chính khóa”.