Đặc biệt nỗi quan ngại Trung Quốc lấn lướt trên Ấn Độ Dương đã thúc đẩy Ấn Độ nghiêng về Mỹ. Trang tinBusiness Insider (Mỹ) ngày 7-6 đã nhận định như trên.
Trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi đầu tháng 6, hai nước đã đạt được thỏa thuận gia hạn hợp tác quốc phòng thêm 10 năm, đồng thời cũng đã thảo luận về an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và biển Đông. Mỹ sẽ giúp Ấn Độ tăng tốc đóng và sử dụng tàu sân bay. Ấn Độ hy vọng sẽ tự đóng hai tàu sân bay trong 10 năm tới.
Ấn Độ quan tâm đến hai công nghệ chủ đạo sử dụng trên tàu sân bay. Một là hệ thống điện từ phóng máy bay (EMALS) của Công ty General Atomics (Mỹ). Hai là hệ thống máy phóng hỗ trợ cất cánh và hãm đà hạ cánh (CATOBAR) đang sử dụng trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ cho phép phóng máy bay nhanh hơn. Ngoài ra, với hai công nghệ trên, tàu sân bay Ấn Độ có thể phóng được máy bay chiến đấu hạng nặng và máy bay tuần tra biển.
Sự kiện Mỹ hợp tác với Ấn Độ trong công nghệ tàu sân bay đã cho thấy Mỹ-Ấn khó chịu trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trao đổi với báoWashington Times, nhà nghiên cứu Robert Manning thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận xét Mỹ liên minh với Ấn Độ là một chiến lược đối trọng với Trung Quốc.
Trung Quốc đang đòi độc chiếm biển Đông. Dù Ấn Độ không trực tiếp giáp vùng biển này nhưng New Delhi vẫn quan tâm tới biển Đông vì lý do hoạt động thương mại và khai thác dầu khí.
Song song theo đó, Bắc Kinh liên tục đầu tư xây cảng ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Với các cảng này, không chỉ tàu thương mại mà tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc có thể cập bến, tạo thành hệ thống cảng an toàn trên toàn Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã nghi ngờ khi tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo (Sri Lanka) kề cận Ấn Độ hồi năm ngoái.
Ngoài ra, Ấn Độ còn quan ngại Trung Quốc phát triển tàu sân bay. Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc là tàu cũ mua lại của Ukraine và hay trục trặc máy. Do đó, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch tự đóng tàu sân bay. Kế hoạch đang trong giai đoạn phát triển, dự kiến tàu sẽ hoạt động từ năm 2020.
Trong khi đó, Ấn Độ có ba tàu sân bay. Chiếc Viraat sẽ ngừng hoạt động năm 2016. Chiếc Vikrant dự kiến ra biển chuyến đầu tiên vào năm 2018 hoặc 2019 nhưng kế hoạch liên tục bị chậm trễ. Như vậy Ấn Độ chỉ còn mỗi chiếc Vikramaditya. Tương tự tàu Liêu Ninh, Vikramaditya là tàu sân bay cũ của Liên Xô hay trục trặc máy móc. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của Mỹ, có thể trong 10-12 năm nữa, rồi Ấn Độ sẽ có tàu sân bay mới.