"Chúng tôi mong muốn Đức gửi thêm bộ binh đến Syria để thay thế một phần quân đội Mỹ và hy vọng người Đức có thể làm nhiều hơn thế”, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Syria James Jeffrey phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA). Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng sẽ sớm nhận được câu trả lời từ chính phủ Đức trong tháng này.
Ông cho biết thêm: “Tốt hơn vẫn là để lực lượng Syria trực tiếp chiến đấu chống IS, nhưng sự hiện diện của quân đội quốc tế là cần thiết để đảm bảo hỗ trợ không vận, tiếp tế, công tác huấn luyện quân đội và trợ giúp kỹ thuật."
Nghị sỹ Quốc hội Đức Johann Wadephul, người thân cận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã kêu gọi Berlin xem xét lời kêu gọi trên của Jeffrey.
"Trong khu vực này, không chỉ người Mỹ mà cả chúng ta cũng phải có trách nhiệm trong công cuộc chống khủng bố", ông Wadephul nói.
Ảnh: ABC News
Cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết
Hiện có khoảng 80 quốc gia tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tại Syria. Trong đó, Đức hỗ trợ các máy bay trinh sát, máy bay tiếp nhiên liệu và các sỹ quan huấn luyện quân sự tại Iraq.
Trong chuyến thăm Iraq hồi tháng 6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết quốc gia này sẵn sàng gia hạn nhiệm vụ sau khi hết thời hạn vào tháng 10. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Quốc hội Đức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái tuyên bố muốn rút 2.000 lính Mỹ hiện đang đóng quân ở phía đông bắc Syria, nơi đất nước này đang hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh của các lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn và dẫn đầu bởi Đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).
Liên minh này khiến cho mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng khi mà Ankara cho rằng YPG là đồng minh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để giành quyền tự trị cho người Kurd trong nhiều thập kỷ qua.
SDF đã chiếm được thành trì cuối cùng của IS ở Syria vào tháng 3-2019, nhưng tổ chức khủng bố này được cho là vẫn đang hoạt động ngầm tại đây.