Từ sau câu chuyện khủng hoảng Ukraine đến hành động gây căng thẳng tại biển Đông của Trung Quốc (TQ), nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đã “đánh mất mình” trong trật tự thế giới hiện nay. Tuy nhiên, bài phát biểu mới đây của Tổng thống Obama tại lễ tốt nghiệp của Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point, New York và ngay sau đó là sự lên tiếng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi tham dự Đối thoại Shangri-La thường niên tại Singapore cho thấy không phải như thế.
Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ThS Trương Minh Huy Vũ (nghiên cứu sinh tại ĐH Bonn, CHLB Đức) về hướng tiếp cận của Mỹ tại khu vực biển Đông, vốn “dậy sóng” từ sự kiện TQ đặt giàn khoan trái phép 981 tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam (VN).
Tăng ảnh hưởng bằng cách “làm gương”
. Phóng viên: Thưa ông, chúng ta nhận thấy điều gì trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau bài phát biểu của Tổng thống Obama tại lễ tốt nghiệp của Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point?
+ ThS-nghiên cứu sinh Trương Minh Huy Vũ: Ông Obama đưa ra thông điệp về chính sách đối ngoại của Mỹ trong một giai đoạn rất nhạy cảm, khi trật tự thế giới bắt đầu được đưa ra thảo luận sau khủng hoảng Syria; Nga sát nhập Crimea và hiện nay là TQ áp đặt chủ quyền trái phép tại vùng biển Hoàng Sa của VN. Qua các sự kiện này, nhiều ý kiến đánh giá Mỹ nhu nhược và không còn làm chủ thế trận trong một cục diện mà một số cường quốc đều bị cho là đã đi trái lại với phương châm phi bạo lực, tôn trọng luật, thể chế quốc tế và phần nào đe dọa lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì nước Mỹ dưới thời Obama đã chọn một cách đi khác chứ không phải chọn một mục tiêu khác trong chính sách đối ngoại của mình. Nếu như thời Tổng thống tiền nhiệm George Bush ưu tiên chiến tranh phủ đầu (pre-emptive strike) để phô trương sức mạnh của Mỹ thì ông Obama lại có tâm thế kiềm chế. Theo đó, yếu tố cấu thành sức mạnh không chỉ tập trung vào quân sự (một biểu hiện của sức mạnh cứng) mà người Mỹ đang hành động theo triết lý của “người làm gương”.
Việc TQ đặt giàn khoan và sử dụng nhiều tàu trong đó có cả tàu quân sự để bảo vệ sự xâm phạm của mình đang gây ra nhiều nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở biển Đông. Ảnh: SB
. “Người làm gương” nên được hiểu như thế nào trước bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn-nhỏ ngày càng phức tạp?
+ “Làm gương” được hiểu theo nhiều góc độ: Một là không đứng về bên nào trong xung đột, kể cả xung đột giữa các nước lớn-nhỏ. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp Mỹ né tránh những cuộc đụng độ trực tiếp gây tốn kém, thậm chí là đánh đổi các giá trị về kinh tế, xã hội mà Mỹ đang dần phục hồi. Hai là “làm gương” theo xu thế chung của “thế giới phẳng” là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. Theo đó, nếu như trước nay người Mỹ đổ tiền vào quân đội, kinh tế… để có sức mạnh thì Obama đang xây dựng nguyên tắc sử dụng các yếu tố cứng đó. Ví dụ khi xung đột xảy ra, ưu tiên khi nào dùng biện pháp hòa bình? Khi nào trừng phạt kinh tế? Khi nào dùng vũ lực? Từ đó áp dụng luật chơi chung cho thế giới. Ông Obama diễn giải: “Chúng ta không thể tách rời những luật lệ mà chúng ta đang áp dụng cho mọi người” là ẩn chứa nội hàm đó.
. Trong bối cảnh TQ đang trỗi dậy, đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ, liệu triết lý “người làm gương” có làm Mỹ yếu đi trước TQ?
+ Tôi nghĩ là không, mà trái lại còn giúp Mỹ tăng ảnh hưởng với thế giới nếu người Mỹ “làm gương” theo đúng nguyên tắc mà Obama đã nêu: Tiên pháp chế, hậu quân phạt. Nghĩa là dùng pháp luật, tạo luật chơi chung, tạo sự đồng thuận làm cơ sở cho việc “dụng binh”, nhất là trong trường hợp an ninh Mỹ (và đồng minh) bị vũ trang đối phương đe dọa.
Có thể thấy rằng Mỹ vẫn sẽ sử dụng quân đội như một nguồn sức mạnh cứng quan trọng để thể hiện vai trò của một siêu cường khi Obama nhấn mạnh: “Các hành động gây hấn ở Ukraine, biển Đông hay bất kỳ nơi nào trên thế giới gây ảnh hưởng đến đồng minh của Mỹ có thể lôi cuốn quân đội của chúng ta can dự”. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi mọi nỗ lực về luật pháp đã không còn tác dụng.
. Những giá trị mới trong chính sách đối ngoại theo kiểu “người làm gương” ở đây là gì, thưa ông?
+ Thứ nhất, người Mỹ sẽ tạo được sự đồng thuận chính trị. Luật quốc tế là xu thế chung hiện nay, đặc biệt là các nước nhỏ, trung cường, các nước đồng minh của Mỹ đang chuộng. Khi anh dùng luật chơi chung, người ta sẽ yên tâm hơn và tin tưởng anh hơn, ngay cả khi có sự chênh lệch về cán cân sức mạnh. Thứ hai, đó là cơ sở quan trọng để Mỹ triển khai sức mạnh cứng, bao gồm kinh tế và quân sự một cách dễ dàng hơn. Khi Mỹ chơi luật chơi quốc tế, nếu quốc gia nào không theo thì các biện pháp trừng phạt sẽ dễ được biểu quyết hơn. Thứ ba, uy tín của Mỹ trên cộng đồng quốc tế gia tăng, làm nền tảng cho hợp tác toàn diện với các quốc gia khác.
Các khả năng can dự của Mỹ ở biển Đông
. Thưa ông, vậy tại biển Đông người Mỹ sẽ vận dụng triết lý “làm gương” như thế nào?
+ Nhìn lại nhiều thập niên qua, Mỹ gần như giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á. Một trong những điều kiện giúp Mỹ giữ được vai trò này là nhờ sự thống trị của hải quân Mỹ trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. Tuy nhiên, hiện nay cái khó của người Mỹ là TQ đang tận dụng điểm yếu của Mỹ bằng cách sử dụng yêu sách lãnh thổ, tạo ra tranh chấp lãnh thổ - yếu tố mà xét về nguyên tắc Mỹ phải đứng trung lập giữa các nước.
Thế nên, chính Obama đã chỉ ra rằng: “Nước Mỹ cũng không thể giải quyết vấn đề xung đột ở biển Đông nếu Thượng viện Mỹ không phê chuẩn Công ước về Luật Biển (UNCLOS)”. Obama đã và đang thúc đẩy UNCLOS làm cơ sở luật quốc tế để có thể xây dựng một trật tự chung cho các nước xung đột mà không mang tiếng “can dự chuyện nội bộ bất hợp pháp”. Quan điểm của Mỹ tại biển Đông là nhất quyết bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực và trước hết bằng công cụ pháp lý. Trong bối cảnh một quốc gia muốn thúc đẩy trật tự bằng luật thì việc thúc đẩy thông qua UNCLOS phải là một ưu tiên của chính quyền Obama trong thời gian cầm quyền còn lại. Đó không những là cơ sở pháp lý, đạo đức như đã trình bày ở trên mà còn là “vũ khí chiến lược” của Mỹ tại biển Đông.
. Nhưng nếu TQ vẫn cứ lấn tới, đe dọa an ninh khu vực thì sao?
+ Về thực địa, Mỹ sẽ không có thêm nhiều hành động can thiệp chừng nào tình hình biển Đông còn chưa leo thang đến mức xung đột vũ trang. Còn nhớ trường hợp bãi đá ngầm Scarborough với Philippines, một đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á năm 2012. Việc TQ sử dụng những tàu cá với chiêu bài dân sự đã hạn chế Mỹ tham gia trực tiếp bảo vệ lợi ích cho Philippines. Nhưng nhìn kỹ vấn đề, cái Mỹ muốn đứng trên lợi ích của nước họ là một khu vực biển Đông hòa bình và ổn định được quản lý bằng luật pháp quốc tế chứ không ưu tiên hỗ trợ hay ủng hộ nước nào (dù có là đồng minh) bằng các biện pháp quân sự.
Nếu TQ có những tác động tiêu cực đến tự do hàng hải của khu vực - một trong những ưu tiên của Mỹ thì Washington sẽ phản ứng để chống lại. Và có thể thấy những phản ứng này sau vụ giàn khoan 981 qua tuyên bố của các quan chức Mỹ từ Phó Tổng thống Joe Biden đến Ngoại trưởng John Kerry và mới nhất là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc TQ có các hành động gây mất ổn định ở biển Đông tại Đối thoại Shangri-La.
ĐỖ THIỆN thực hiện
. Trong bối cảnh UNCLOS chưa được Mỹ thông qua, nếu TQ vẫn gây hấn nhưng không đẩy lên thành xung đột ở biển Đông mà chỉ “gặm nhấm” từng ngày, Mỹ sẽ có chiến lược hành động gì? + Theo quan điểm cá nhân, các giải pháp quân sự vẫn khả thi theo hướng Mỹ sẽ không đối đầu trực tiếp với TQ nhưng sẽ thông qua hệ thống đồng minh của mình, đặc biệt là hai nước Nhật và Philippines. Mỹ sẽ giữ vai trò hậu phương. Mỹ cũng có thể sẽ triển khai hợp tác quân sự với các nước để giải quyết mối đe dọa về an ninh. |