Tiến sĩ Tạ Văn Tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Luật quốc tế khẳng định chắc chắn các quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Phóng viên (PV): Xin Tiến sĩ cho biết những quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)?
Tiến sĩ Tạ Văn Tài: Có hai loại quyền lợi quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Thứ nhất là chủ quyền lãnh thổ trên nhiều đảo và bãi đá tại hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố và thực thi chủ quyền trong quá khứ theo đúng luật quốc tế truyền thống đã có từ mấy trăm năm, cho đến khi một số địa điểm bị Trung Quốc chiếm đóng bằng bạo lực.
Thứ hai, Việt Nam có lợi ích hay quyền đối với những vùng nước và đáy biển dưới mặt nước tại Biển Đông, gồm có quyền chủ quyền khai thác tài nguyên sinh vật như cá biển và phi sinh vật như quặng mỏ, kim loại hay dầu khí ở đáy biển, trong vùng dưới mặt nước gọi là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ mực nước thủy triều thấp nhất (gọi là đường cơ sở) chạy ra ngoài biển tới 200 hải lý (Điều 56 và 57 UNCLOS); và trong Vùng thềm lục địa, tức mặt đáy biển và đất dưới đáy biển đi ra tới bờ của lục địa hay tới khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở (Điều 76 và 77 UNCLOS).
Hơn nữa, cần nhấn mạnh là theo UNCLOS, các quyền chủ quyền trên trong vùng EEZ và Thềm lục địa của Việt Nam là dành riêng hay độc quyền (exclusive) của quốc gia cận duyên, cho nên Việt Nam trong vùng EEZ, có chủ quyền xây các kiến trúc nhân tạo trên các bãi đá thành những đảo nhân tạo, nghiên cứu biển, quy định bảo vệ môi sinh, miễn là tôn trọng quyền các quốc gia khác về tự do lưu thông hàng hải, đặt dây cáp và ống dẫn dầu khí của các nước khác (Điều 56 và 58 UNCLOS).
Và trong thềm lục địa, Việt Nam cũng đương nhiên có quyền độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không cần tuyên bố hay chiếm hữu, và các quốc gia khác không thể có các hoạt động khai thác tài nguyên mà không có sự minh thị đồng ý của Việt Nam (Điều 77 UNCLOS).
Vì vậy, theo tôi, khi đấu tranh với Trung Quốc về cơ sở pháp lý, ta nên tuyên bố rõ và nhấn mạnh rằng, luật quốc tế đã khẳng định chắc chắn như “đinh đóng cột” các quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Tránh viện dẫn "đường lưỡi bò" vô căn cứ
PV: Vậy xin ông chỉ rõ hơn về những vi phạm của Trung Quốc đối với Công ước UNCLOS 1982?
Tiến sĩ Tạ Văn Tài: Trung Quốc là một quốc gia duyên hải đã đơn phương ngăn chặn tự do lưu thông với việc tạo ra một vòng vây rộng lớn các tàu chiến và hải giám xung quanh giàn khoan Hải Dương 981. Hành động này đã vi phạm Công ước UNCLOS 1982 liên quan đến tự do và quyền hảng hải, hàng không hoặc tự do và quyền đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm, cũng như đến việc sử dụng biển vào các mục đích khác mà quốc tế thừa nhận.
Một vi phạm khác nữa đó là trong khi chờ đợi các cơ quan tài phán giải quyết, Việt Nam chỉ giới hạn hoạt động tại các lô 118 và 119, thì Trung Quốc đáng lẽ phải tuân theo bước đi thương lượng giải quyết bất đồng với Việt Nam về EEZ và thềm lục địa, với tinh thần hiểu biết và hợp tác kèm theo những biện pháp tạm thời, thì Trung Quốc lại có các hành động lấn lướt, khiêu khích ở Biển Đông. Đó là chưa kể hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
PV: Ông đánh giá thế nào về những lập luận mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981?
Tiến sĩ Tạ Văn Tài: Trước hết chúng ta cần hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan Hải Dương 981. Khi đem giàn khoan đến vị trí giữa hai lô dầu 142 và 143 của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ Việt Nam), thì trái với sự bàn luận của một số người, Trung Quốc không dùng cái "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" (Nine-dotted Line), vốn không thể nào biện hộ được và bị tất cả các nước và học giả Việt Nam và quốc tế chất vấn, làm cơ sở cho hành động xâm lấn của họ. Có thể thấy, thời gian qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tránh viện dẫn "đường lưỡi bò" vô căn cứ đó.
Mà ở đây, Trung Quốc dựa vào cơ sở vùng EEZ của Trung Quốc để nói rằng giàn khoan “đặt hoàn toàn trong vùng nước của quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc" (thực tế quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam), ám chỉ trong vòng 200 hải lý của EEZ và thềm lục địa của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam.
Chuẩn bị cho khả năng tiến hành hai vụ kiện
PV: Thưa Tiến sĩ, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế nào không và chúng ta cần chuẩn bị những gì?
Tiến sĩ Tạ Văn Tài: Theo tôi, chúng ta cần bác lập luận của Trung Quốc về EEZ của Hoàng Sa để đòi quyền được khai thác cho giàn khoan Hải Dương 981 bằng hai vụ kiện. Trong đó, Việt Nam phải trình hồ sơ về hai điểm: Thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa không phải thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc mà của Việt Nam. Thứ hai, Hoàng Sa không có mỏm đất/đá nào, kể cả Phú Lâm, xứng đáng được gọi là đảo, tức có người sinh sống với nền kinh tế tự túc trong trạng thái nguyên thủy, sơ khai, mà toàn là đá.
Vụ kiện thứ nhất về chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng Sa nếu theo luật quốc tế truyền thống, Việt Nam cần chứng minh theo nguyên tắc luật quốc tế là một chính quyền muốn xác nhận chủ quyền phải có sự liên tục thực thi chủ quyền trong hòa bình và tuyên bố chủ quyền.
Xét các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam theo luật quốc tế này, thì Việt Nam, trong chiều dài lịch sử từ nhiều thế kỷ, đã xác nhận và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974 và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản đối. Sau đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng phản đối vụ Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và phản đối nhiều lần việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988. Vì vậy, không thể coi chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa đã xói mòn vì thiếu sự tuyên bố và thực thi chủ quyền.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
MỸ HẠNH (thực hiện) - QĐND