Tính đến ngày 12-1, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần được 22 ngày. Đây được xem là kỷ lục mới về thời gian đóng cửa chính phủ của nước này, CNN đưa tin.
Được biết, Chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa từ ngày 22-12-2018 do bất đồng liên quan đến khoản ngân sách 5 tỉ USD mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu để thực hiện dự án xây dựng bức tường biên giới Mexico.
Người Mỹ lao đao vì chính phủ đóng cửa
Trước đây, kỷ lục cũ được giữ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinto năm 1996 là 21 ngày.
Việc chính phủ đóng cửa thời gian dài như vậy đang ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế, ngoại giao và người dân. Ước tính 800.000 công nhân liên bang đã bị ảnh hưởng do ngưng việc, hoặc phải làm việc mà không được trả lương.
Người dân Mỹ biểu tình yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ tại Boston ngày 11-1. Ảnh: AP.
Bên cạnh đó, Dịch vụ tài chính hàng đầu J.P. Morgan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng quý I-2019 từ mức 2,25% xuống còn 2%. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Merrill Lynch dự báo tăng trưởng quý IV-2019 giảm xuống còn 2,8%, giảm 0,1% nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa.
Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách chính phủ, dự báo chi tiêu của Mỹ sẽ giảm dần do nhân viên liên bang bị sa thải không thể đáp ứng chi tiêu căn bản. Đồng thời, sức đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm sút do mất đi niềm tin đối với chính sách nhà nước.
Tổng thống Trump bị kiện
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11-1, Hiệp hội Kiểm soát không lưu quốc gia Mỹ đã đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao liên bang khác sau khi các nhân viên không lưu không nhận được tiền lương dù vẫn đang làm việc tại các sân bay trên phạm vi toàn quốc.
Theo Washington Post, hồ sơ khởi kiện được đệ trình lên tòa án quận Mỹ ở quận Columbia nhằm tìm kiếm một lệnh cấm tạm thời với chính phủ liên bang vì cáo buộc vi phạm các quyền hiến pháp của kiểm soát không lưu được quy định trong Tu chính án thứ 5.
Tổng thống Donald Trump đang bị kiện vì không trả lương cho nhân viên không lưu đang làm việc trong thời gian chính phủ đóng cửa. Ảnh: AP
Một lãnh đạo công đoàn cho biết, các kiểm soát không lưu đang phát tờ rơi trực tiếp cho hành khách tại các sân bay trên cả nước. Mục đích của việc phát tờ rơi là nhấn mạnh tầm quan trọng trong công việc của đội ngũ kiểm soát không lưu và thúc đẩy chấm dứt việc đóng cửa chính phủ nhanh hơn.
Một vụ kiện tương tự liên quan tới chính phủ Mỹ đóng cửa cũng đã được nộp đơn để đòi quyền lợi cho các viên chức liên bang làm việc tại cơ quan tư pháp, nông nghiệp và an ninh nội địa.
Dự luật mới nhằm cứu vãn tình hình
Cũng trong ngày 11-1, hai thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa của Mỹ Ron Johnson và Susan Collins đã giới thiệu một dự luật nhằm đảm bảo việc trả lương cho các nhân viên liên bang thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt trong khi chính phủ bị đóng cửa một phần.
Theo hai thượng nghị sỹ Johnson và Collins, tất cả những nhân viên được yêu cầu đi làm trong thời gian chính phủ bị đóng cửa một phần để thực hiện các nhiệm vụ như đảm bảo an ninh quốc gia hay một số chức năng quan trọng khác cần phải được trả lương trên cơ sở hiện nay, bởi sẽ là không công bằng nếu những nhân viên này bị bắt làm việc không lương.
Theo dự luật này, khoảng 420.000 nhân viên liên bang hiện đang phải làm việc khi chính phủ đóng cửa sẽ được trả lương.
Trong khi đó, các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ cũng đang nỗ lực tìm cách trả lại tiền lương bị thiếu cho những nhân viên làm hợp đồng với mức lương thấp như nhân viên phục vụ đồ ăn hay nhân viên bảo vệ, những người không được đề cập đến trong dự luật này.