Cuộc tập trận thường niên Kamandag bắt đầu vào ngày 9-10 tại một số khu vực trên đảo Luzon và đảo Palawan ở phía nam Philippines. Đây là năm thứ ba liên tiếp cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines được tổ chức.
"Việc này không liên quan đến biển Đông, chúng ta phải làm rõ điều này đầu tiên" - Chuẩn tướng Ariel Caculitan, chỉ huy cuộc diễn tập Kamandag, nói với tờ Inquirer (Philippines) ngày 7-10.
Một xe lội nước tấn công của Philippines tham gia cuộc tập trận Kamandag 2019. Ảnh: U.S. MARINE CORPS
Trong 10 ngày diễn tập, khoảng 2.000 binh sĩ đến từ Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ cùng tham gia các hoạt động diễn tập đổ bộ, diễn tập bắn đạt thật, tác chiến trên biển, tác chiến trong các vùng đô thị và tác chiến chống khủng bố. Ngoài ra, các hoạt động dân sự và nhân đạo cũng là một phần của cuộc diễn tập.
Cuộc diễn tập lần này đánh dấu lần đầu tiên Philippines sử dụng lực lượng xe lội nước tấn công (AAV) của nước này trong hoạt động huấn luyện chung với Mỹ và Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên Philippines và Mỹ phối hợp huấn luyện tác chiến phòng không tầm thấp và phản ứng trước các mối đe dọa.
Vì Philippines là một quốc gia quần đảo, cuộc diễn tập này là một cơ hội huấn luyện tác chiến quan trọng đối với quân đội nước này. Tướng Caculitan giải thích thêm: "Nếu bạn có thể đổ bộ xe tăng hay AAV lên một đảo, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn, đánh vào tâm lý của đối phương - những phần tử khủng bố đang ở trên đảo".
Tương tự, Thiếu tướng Shinichi Aoki, Chỉ huy trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, coi cuộc diễn tập năm nay là một cơ hội nâng cao khả năng đổ bộ cho lực lượng phòng vệ nước này: "Ở Nhật Bản, chúng tôi không có những bãi biển phù hợp cho hoạt động đổ bộ. Đây là một cơ hội quý báu".
Trong khi đó, thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết cuộc tập trận này sẽ tiếp tục khẳng định cho cam kết của nước này về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn trên biển Đông. Các vụ va chạm thường xuyên được ghi nhận trong khu vực tranh chấp, bất chấp những bước tiến trong quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Cả Mỹ và Nhật Bản đều nhận thấy lợi ích của họ trên vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới này. Do đó hai nước này luôn thể hiện vai trò tích cực trong việc đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự trong khu vực.