Kết quả bỏ phiếu là thất bại nặng nề về uy tín của Mỹ tại LHQ, tuy nhiên sẽ không thay đổi thực chất gì nhiều. Bà Haley tuyên bố Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên quyết định, cũng như sẽ chuyển đại sứ quán về Jerusalem. Tiến trình hòa bình bế tắc vẫn hoàn bế tắc.
Điều nhiều người quan tâm là sau vụ bỏ phiếu này liệu Mỹ có cắt viện trợ các nước đã bỏ phiếu chống lại mình như ông Trump đã đe dọa không. Đài CNNcho là không vì ông Trump và các lãnh đạo Mỹ biết rõ tiền và sự hỗ trợ của Mỹ phục vụ quyền lợi quốc gia Mỹ. Chính sách viện trợ, hỗ trợ của Mỹ không phải là từ thiện, mà phục vụ cho an ninh của mình cũng như của các đồng minh, đối tác. Mỹ đóng góp cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển, an ninh và nhân đạo của các nước. Tiền của Mỹ giúp xử lý các vấn đề, giữ các nước, các khu vực không rơi vào bất ổn. Và điều đó có lợi cho Mỹ nhiều hơn.
Công bố mới đây về Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump vài ngày trước cũng nói rõ Mỹ “hỗ trợ các nước khác một cách sáng suốt, như là một phương tiện nhằm đạt các mục tiêu”. Chẳng thế mà ngay sau vụ bỏ phiếu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng rằng kết quả bỏ phiếu “sẽ chỉ là một trong các yếu tố Mỹ xem xét đến khi cân nhắc quan hệ đối ngoại”. Ngoài ra, hình ảnh đi đầu của Mỹ trong cứu trợ các thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh, đói kém, nội chiến… luôn đem lại lợi ích hữu hình cho uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.
Theo đài CNN, không thể bác bỏ vụ bỏ phiếu đã khiến Mỹ bối rối và thêm cô lập. Trước sự kiện này, Mỹ vốn đã vấp phải các chỉ trích theo đuổi chủ nghĩa biệt lập cô lập khi phàn nàn về chi tiêu tại NATO, đòi rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, rời khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thậm chí đòi xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Vụ bỏ phiếu cũng như quyết định trước đó của ông Trump về Jerusalem sẽ khiến tiến trình thương lượng Israel-Palestine khó trở lại như trước. Mỹ sẽ phải đối mặt thực tế, với các diễn biến vừa xảy ra thì giải pháp hai nhà nước sẽ càng khó đạt được hơn.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều nước cân nhắc lại cách ứng xử của mình trong vấn đề Israel-Palestine tại LHQ. Các nước sẽ mạnh dạn hơn trong ủng hộ giải pháp hai nhà nước, ủng hộ tính cần thiết phải giữ nguyên trạng Jerusalem chờ kết quả thương lượng sau cùng của các bên, không phải dè chừng áp lực từ Mỹ nhiều như trước.