Bộ Quốc phòng Na Uy ngày 12-6 cho biết chính phủ nước này đã đồng ý cho phép bổ sung 400 lính thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân tại Na Uy, theo CNN.
Hiện tại, có khoảng 300 lính thủy quân lục chiến Mỹ hiện diện luân phiên tại Na Uy để huấn luyện và tập trận. Như vậy, với 400 binh sĩ bổ sung thì con số lính thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú ở Na Uy sẽ là 700 quân trong khoảng năm năm. Đội quân mới này của Mỹ sẽ đóng tại Setermoen ở Troms, theo Bộ Quốc phòng Na Uy.
Lính Mỹ tại Na Uy. Ảnh: CNN
Tháng 1-2017, một lực lượng luân phiên hạn chế với khoảng 300 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã được điều đến Vaernes trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh thông báo trên của Na Uy, nói rằng việc bổ sung quân cho phép Thủy quân lục chiến Mỹ “tham gia huấn luyện tác chiến ở địa hình trên núi và vào mùa đông mang tầm cỡ thế giới”.
Theo ông Pahon, những khóa huấn luyện được nhắc tới sẽ tăng cường liên kết giữa quân đội Mỹ với quân đội Na Uy, giúp xây dựng tính sẵn sàng phản ứng trong thời gian khủng hoảng.
“Chúng tôi cảm ơn Na Uy đã cho phép chúng tôi sử dụng Vaernes làm cơ sở huấn luyện luân phiên” - ông Pahoh nói thêm.
Na Uy có chung biên giới dài gần 200 km với Nga và số binh sĩ Mỹ bổ sung đồn trú tại Setermoen sẽ cách biên giới này hơn 400 km. Quân đội Mỹ cũng sử dụng các cơ sở bên trong các hang động bí mật của Na Uy để cất trữ xe tăng và vũ khí hạng nặng. Những vũ khí này có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Giới chức Nga trước đó đã bày tỏ phản đối trước quyết định này của Na Uy. Một chính trị gia Nga cho hay động thái này sẽ dẫn tới Na Uy trở thành mục tiêu của quân đội Nga.
“Trong thời gian khủng hoảng và chiến tranh Na Uy sẽ dựa vào Mỹ và tiếp viện quân sự từ các đồng minh khác. Đây là điều cốt lõi trong chính sách an ninh Na Uy và được đề cao bởi NATO” – Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen trả lời CNN.
“Thủy quân lục chiến Mỹ và Na Uy có mối quan hệ tốt đẹp lâu đời và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Mỹ và Thủy quân lục chiến Mỹ để đạt được thỏa thuận lẫn nhau trong tương lai gần về hoạt động huấn luyện luân phiên và tập trận” - ông Bakke-Jensen nói thêm.
Theo ông, sáng kiến trên đã chứng minh được các cuộc tập trận và huấn luyện cùng với các đồng minh đã đem đến tác động tích cực cho khả năng hoạt động của lực lượng Na Uy.