Mỹ: TQ sẽ đưa tàu ngầm tới Bắc Cực, mở thêm căn cứ nước ngoài

Việc ngày càng mở rộng hoạt động ở khu vực Bắc Cực có thể mở đường cho Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở đây, bao gồm triển khai tàu ngầm hành động như phương tiện ngăn chặn tấn công hạt nhân, theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đầu tháng 5.

Báo cáo này là một phần của báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự Trung Quốc của quân đội Mỹ trình lên Quốc hội. Bộ Quốc phòng Mỹ ra đánh giá này một phần dựa trên nội dung sách trắng chính sách về Bắc Cực đầu tiên mà Trung Quốc công bố hồi tháng 6-2018.

Trung Quốc sẽ đưa tàu ngầm tới Bắc Cực

Trong sách trắng này Trung Quốc vạch ra kế hoạch nhằm phát triển các tuyến vận tải biển nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa Địa cực” – nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dù không phải quốc gia ở Bắc Cực nhưng Trung Quốc ngày càng tăng Cường hoạt động ở khu vực địa cực này và trở thành một thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực năm 2013. Điều này gây lo ngại từ nhiều nước Bắc Cực về mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc, kể cả khả năng Trung Quốc triển khai quân sự đến khu vực này.

Trụ sở Lầu Năm Góc - Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trụ sở Lầu Năm Góc - Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: REUTERS

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi chú Đan Mạch đã từng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc có quyền lợi ở Greenland – một quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch. Trong đó có các đề xuất thành lập một trạm nghiên cứu và một trạm vệ tinh mặt đất, cải tiến một số sân bay và mở rộng khai khoáng.

“Nghiên cứu dân sự có thể hỗ trợ củng cố sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở đại dương Bắc Cực, có thể gồm triển khai tàu ngầm đến khu vực như một phương tiện ngăn chặn tấn công hạt nhân”, hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Hôm nay tại TP Rovaniemi của Phần Lan sẽ khai mạc kỳ họp của 8 nước thuộc Hội đồng Bắc Cực, giữa bối cảnh lo ngại việc Trung Quốc ngày càng tăng quyền lợi thương mại của mình ở khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự kỳ họp này.

Báo cáo cho biết quân đội Trung Quốc xem việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm là một ưu tiên lớn của mình. Hải quân Trung Quốc vận hành 4 tàu ngầm hạt nhân có trang bị tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công thông thường, báo cáo cho biết. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán Trung Quốc khả năng sẽ phát triển lượng tàu ngầm của mình lên đến 65-70 chiếc vào năm 2020.

Trung Quốc đã xây dựng 6 tàu ngầm lớp Jin, 4 chiếc trong số này đã đi vào hoạt động và 2 chiếc còn đang trong quá trình lắp ghép. Trong một báo cáo hồi tháng 1, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói hải quân Trung Quốc sẽ phải cần ít nhất 5 chiếc tàu ngầm lớp Jin để duy trì được sức mạnh ngăn chặn hạt nhân ở biển.

Phần mình, Mỹ và các đồng minh đang mở rộng hoạt động hàng hải chống tàu ngầm khắp Đông Á. Trong đó có tăng cường cho máy bay do thám tàu ngầm tiên tiến P-8 Poideson bay tuần tra ở Singapore và Nhật.

Việc mở rộng sức mạnh tàu ngầm của Trung Quốc chỉ là một yếu tố trong chủ trương hiện đại hóa quân đội lớn và tốn kém của nước này. Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng chủ trương này được thiết kế chủ yếu để đối phó các hành động của quân đội Mỹ.

Ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc năm 2018 là 175 tỉ USD. Tuy thế Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc trong năm 2018 phải là 200 tỉ USD, nếu tính cả số tiền bỏ ra cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai và mua vũ khí nước ngoài. Mỹ ước tính ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc đến năm 2022 sẽ là 260 tỉ USD.

Sẽ mở thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc tới đây sẽ tăng cường mở thêm các căn cứ quân sự khắp thế giới để bảo vệ sự đầu tư cho chương trình hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng Một Vành đai, Một con đường.

Hiện tại Trung Quốc chỉ mới có một căn cứ quân sự ở nước ngoài - Djibouti ở miền đông châu Phi. Tuy nhiên Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch mở thêm nhiều căn cứ quân sự nữa. Khả năng nước này sẽ mở ở Pakistan, hoặc ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Trung Đông để bảo vệ sức ảnh hưởng toàn cầu của mình.

Năm ngoái, Trung Quốc đã lập một số tiền đồn quân sự vũ trang đầy đủ ở hành lang Wakhan Tây Bắc Afghanistan. Báo The Washington Post gần đây đưa tin có một tiền đồn quân Trung Quốc đến trú đóng ở Đông Tajikistan, gần đường nối chiến lược với hành lang Wakhan, Trung Quốc và Pakistan.

“Trung Quốc sẽ tìm cơ hội mở thêm nhiều căn cứ quân sự nữa ở các nước mình có quan hệ hữu nghị và có quyền lợi chiến lược chung như Pakistan, và ở các nước vốn có tiền lệ cho phép quân đội nước ngoài hiện diện ở nước mình”, theo báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trung Quốc tới đây sẽ tăng cường mở thêm các căn cứ quân sự khắp thế giới. Ảnh: Al JAZEERA

Trung Quốc tới đây sẽ tăng cường mở thêm các căn cứ quân sự khắp thế giới. Ảnh: Al JAZEERA

Tuy nhiên theo báo cáo, nỗ lực này của Trung Quốc có thể gặp chướng ngại với các nước không sẵn sàng nhận quân đội Trung Quốc vào hiện diện thường xuyên trong nước mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đưa sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt qua cả sân sau ở Đông Á và Đông Nam Á.

Các biện pháp thực hiện chủ trương này gồm phô diễn sức mạnh quân sự trên bộ-biển-không gian, tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở các tổ chức quốc tế, chiếm vị trí dẫn đầu về công nghệ, thiết lập sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ toàn cầu.

“Các lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung quyền lực đang lên về kinh tế, ngoại giao, quân sự của mình để thiết lập uy thế ở khu vực và mở rộng ảnh hưởng với quốc tế”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm