Năm 2023, xác minh tài sản, thu nhập của 67 cán bộ cấp vụ ở khối Chính phủ

(PLO)- Thanh tra Chính phủ vừa bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra 67 cán bộ cấp vụ và tương đương ở các cơ quan Trung ương thuộc khối Chính phủ, để xác minh tài sản, thu nhập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện chức năng Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập của Chính phủ, sáng nay, 8-2, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra các trường hợp cán bộ cấp vụ ở Trung ương, thuộc thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của Thanh tra Chính phủ, để xác minh TSTN theo kế hoạch năm 2023.

Ông Đặng Hùng Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (ngoài cùng bên trái) tiến hành thủ tục bốc thăm chọn ngẫu nhiên người sẽ được xác minh tài sản theo Luật Phòng, chống tham nhũng, sáng 8-2.

Ông Đặng Hùng Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (ngoài cùng bên trái) tiến hành thủ tục bốc thăm chọn ngẫu nhiên người sẽ được xác minh tài sản theo Luật Phòng, chống tham nhũng, sáng 8-2.

Triển khai sớm, đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng

Đây là năm thứ hai triển khai quy định về xác minh TSTN bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nên công tác chuẩn bị được làm bài bản, sớm hơn năm 2022.

Từ tháng 11-2022, Thủ tướng đã phê duyệt Định hướng xác minh TSTN 2023, theo đó trọng tâm công tác xác minh TSTN thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ là nhằm vào 10 nhóm ngành, lĩnh vực: Đầu tư xây dựng; tài chính, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; y tế; quy hoạch, đấu thầu, đấu giá; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; đầu tư công, dịch vụ công; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các DNNN; hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch cụ thể, triển khai với chín cơ quan trung ương:

Bộ Thông tin và Truyền thông: Số người được chọn ngẫu nhiên là 4, trên tổng số 31 cán bộ thuộc thẩm quyền kiểm soát TSTN của Thanh tra Chính phủ, tương đương 12,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 16/149 (10,7%); Ngân hàng Nhà nước: 11/99 (11,1%); Thanh tra Chính phủ: 3/19 (15,7%); Bộ Công Thương: 17/183 (9,2%); Bộ Giao thông Vận tải: 7/86 (8,1%); Tập đoàn Dầu khí: 3/14 (21,4%); Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản: 3/12 (25%); Tập đoàn Điện lực: 3/12 (25%).

Việc bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập được tổ chức công khai, với đại diện các cơ quan trong danh sách xác minh năm 2023.

Việc bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập được tổ chức công khai, với đại diện các cơ quan trong danh sách xác minh năm 2023.

Tiếp tục ưu tiên xác minh khối doanh nghiệp nhà nước

Theo quy định, cuộc bốc thăm do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện sáng nay với sự tham dự của đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị trong danh sách xác minh.

Kết quả bốc thăm đã chọn ra tổng cộng 67 cán bộ lãnh đạo ở chín cơ quan, đơn vị nói trên, với tên, chức vụ cụ thể, được lập thành biên bản.

Về cơ bản, kết quả bốc thăm đều đạt yêu cầu tối thiểu 10% người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền xác minh TSTN của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, tỷ lệ xác minh tại ba tập đoàn kinh tế nhà nước là cao hơn hẳn các cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là ưu tiên được lựa chọn trong lần xác minh TSNT năm 2022.

Theo kế hoạch đã được gửi tới các cơ quan, đơn vị được lựa chọn, việc xác minh TSTN của các cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ được tiến hành cuốn chiếu, từ quý II cho đến hết năm nay.

Như vậy, cùng với việc hoàn thành công tác xác minh TSTN của 30 cán bộ cấp vụ và tương đương đã được lựa chọn ngẫu nhiên theo kế hoạch 2022, thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ xác minh tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của 67 cán bộ cấp vụ khác, theo kế hoạch 2023.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 130/2020 của Chính phủ và Quyết định 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN, Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền kiểm soát TSTN của người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các cơ quan Chính phủ, tổ chức do Thủ tướng thành lập, trừ những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý; thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… Cán bộ này ở cấp vụ trưởng và tương đương thuộc khối Chính phủ.

Đảng có định hướng riêng

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng của Quốc hội và Quy chế phối hợp 56 của Bộ Chính trị, cả nước có khoảng 890 đầu mối thực hiện chức năng cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Trong đó vai trò quan trọng là hơn 700 ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, tỉnh, đến Trung ương.

Nhưng về mặt pháp lý, Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.

Chính vì vậy, để triển khai công tác xác minh TSTN năm 2023, tháng 12-2022, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các cơ quan, đầu mối lớn để thông báo Định hướng xác minh TSTN, gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương; các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương; Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương; Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Ban Công tác đại biểu của Quốc hội; TAND Tối cao; VKSND Tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Tỉnh/Thành ủy; UBND các tỉnh, thành phố; Ủy ban Kiểm tra các Tỉnh/Thành ủy; Thanh tra các tỉnh, thành phố.

Theo đó, ngoài định hướng cho Thanh tra Chính phủ như đã nêu thì Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra các tỉnh, thành phố, trong công tác xác minh TSTN năm 2023 cần tập trung vào cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực, khâu, công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực tổ chức, cán bộ, quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch; cấp phép, đấu thầu, đấu giá; tài chính ngân sách, thuế, chứng khoán, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc.

Còn với cán bộ thuộc diện Ủy ban Kiểm tra đảng các cấp thực hiện thẩm quyền kiểm soát TSTN thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ ban hành định hướng riêng để tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở Định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt, những ngày này, nhiều cơ quan kiểm soát TSTN trên cả nước đang bắt đầu triển khai nội dung xác minh TSTN theo xác suất./.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm