Phát biểu tại Tọa đàm "Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn" sáng 12-12 tại báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sở đang nghiên cứu làm tuyến đường ven sông Sài Gòn có chiều dài 4km từ cầu Thủ Thiêm đến Bình Triệu.
5 mục tiêu lớn của đường ven sông Sài Gòn
"Những đô thị lớn trên thế giới đều được hình thành và phát triển từ các châu thổ ven sông, TP.HCM cũng như vậy. TP có 2.200 km đường bộ với 83 tuyến đường thủy. TP có 1.100 km đường sông và nếu được khai thác vận hành một cách tốt nhất sẽ giảm tải cho đường bộ" - ông An nói.
Theo ông An, TP.HCM có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn có độ dài 80km để kết nối với vùng Đông Nam bộ.Hiện các sở, ban ngành TP đang nghiên cứu sơ bộ đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới Bình Triệu khoảng 4km.
Có năm mục tiêu chính khi làm đường ven sông. Thứ nhất tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố, chia sẻ áp lực giao thông với các trục QL22 - Trường Chinh - CMT8; trục Tỉnh lộ 9 – Hà Huy Giáp Nguyễn Oanh, Trục TL15 - Quang Trung – Nguyễn Kiệm...
Thứ hai, đường ven sông Sài Gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông.
Thứ ba, khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thứ tư, đường ven sông Sài Gòn kết nối với các tuyến vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4, tạo nên một trục hướng tâm, cùng với các tuyến QL22, QL 13, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM – Chơn Thành... góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và đầu tư của các công trình, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
Cuối cùng là kết nối liên vùng, đường ven sông Sài gòn kết nối các trục ngang liên kết với tỉnh Bình Dương qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Bình Gởi .. tạo một hướng kết nối mới, tăng cường liên kết giữa hai địa phương, góp phần giảm tải cho QL13, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng.
"Chúng tôi đang nghiên cứu làm đường ven sông dài 4km, có bề rộng 30m, với vốn khoảng 3.500 tỉ đồng. Nghị quyết 98 chúng ta cho phép thu hút các nguồn lực để làm đường ven sông. Dự kiến, sau khi nghiên cứu, lập dự án, trình HĐND TP thì năm 2030 sẽ hình thành đoạn sông 4km đẹp như mong muốn của chúng ta."
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tích hợp giao thông thủy bộ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM thì cho biết quy hoạch đường ven sông cần đặt trong bối cảnh và tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 mà TP đang làm.
"Mục tiêu dài hạn là quy hoạch chung. Trước mắt, chúng ta cần làm những mục tiêu nhỏ như cần tích hợp quy hoạch, tích hợp giao thông thủy bộ. Sông Sài Gòn có hành lang sông nước nên việc tích hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động trên bến dưới thuyền, hoạt động trên mặt nước… là rất quan trọng" - ông Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn cũng cho biết để thực hiện quy hoạch sông Sài Gòn, Sở QHKT đã cùng lãnh đạo TP tham quan tại Pháp, làm việc bảy ngày với các chuyên gia người Pháp... để tìm ra định hướng quy hoạch sông Sài Gòn, định hình ý tưởng cho từng khu vực ven con sông này.
"Có một câu hỏi đặt ra là hành lang kinh tế dọc sông Sài Gòn có nội hàm như thế nào? Toạ đàm hôm nay cũng là một bước để cụ thể hóa nội hàm đó như câu chuyện về kinh tế, du lịch đường thủy, hạ tầng bến bãi giao thông và kinh tế dịch vụ sông nước..." - ông Tuấn cho biết thêm.