Mỹ: Ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang áp đảo về số tàu và nhân lực. Thông qua các hiệp ước quốc phòng song phương giữa Mỹ với các nước như Úc, Nhật, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Mỹ có thể điều động khí tài quân sự tại các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Trong khu vực, Mỹ đang trang bị 288 tàu chiến, hơn 2.000 máy bay hải quân và hơn 1.000 máy bay của lính thủy đánh bộ.
Trung Quốc: Sách trắng Quốc phòng 2013 của Trung Quốc ghi nhận hải quân Trung Quốc đang phát triển khả năng hoạt động di động trên biển, tăng cường khả năng phản công và răn đe chiến lược.
Hải quân Trung Quốc đã có thay đổi lớn so với giữa những năm 1980 vốn chỉ có khả năng bảo vệ bờ biển. Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào hoạt động tham chiến trên biển. Điển hình là phát triển tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường.
Trung Quốc đang phát triển các căn cứ và lực lượng bán quân sự trên biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt với tham nhũng và bè phái trong quân đội, đặc biệt là hải quân.
Nhật: Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật là lực lượng hải quân lớn nhất Đông Bắc Á. Để đối phó với Trung Quốc, Nhật đã tăng cường hạm đội tàu ngầm từ 16 chiếc lên 22 chiếc, tăng cường hạm đội tàu khu trục từ 47 chiếc lên 54 chiếc.
Nhật đang đầu tư máy bay tuần tra hàng hải mới, trực thăng hải quân, trực thăng chống ngầm, mở rộng hạm đội tàu sân bay và tàu đổ bộ, trong đó có tàu đổ bộ chở trực thăng. Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật có khả năng chuyển đổi thành một thực thể độc lập có thể thực hiện nhiều yêu cầu. Vấn đề khó khăn lớn nhất là tuyển dụng nhân lực cho các tàu chiến.
Singapore: Hải quân là ưu thế quân sự đi kèm với ngoại giao thông minh và xây dựng liên minh. Ngoài bảo vệ 193 km đường biển, hải quân Singapore có thể bảo vệ đường biển xa bờ và giữ vai trò quan trọng trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Singapore có sáu tàu khu trục, sáu tàu hộ tống, năm tàu ngầm, bốn tàu đổ bộ, bốn tàu dò mìn và nhiều máy bay tuần tra. Đây là các thiết bị hỗ trợ đắc lực cho các thủy thủ vốn được huấn luyện tốt và có danh tiếng.
Hàn Quốc: Hàn Quốc đã chuyển từ lực lượng tuần tra ven biển sang hải quân có khả năng bảo vệ các đảo xa và giữ vai trò trong các dự án hàng hải quốc tế. Ngoài nhiệm vụ răn đe và ngăn chặn hoạt động của CHDCND Triều Tiên, hải quân Hàn Quốc đang xây dựng hạm đội tàu đáng gờm có thể hoạt động trên toàn cầu. Hàn Quốc đang trở thành một trong các lực lượng xa bờ tinh nhuệ trên thế giới.
DUY KHANG