Nâng cao quyền của công an tại cửa khẩu hàng không

(PLO)- Bộ Công an từng phát hiện, xử lý kịp thời vụ tiến hành phá hoại bằng bom xăng tại Tân Sơn Nhất; thông tin đe dọa đánh bom hãng hàng không Cathay Pacific 2019.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không. Trong đó, bộ này đề xuất một số chính sách nhằm kiểm soát người ra vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh để hạn chế những phức tạp về an ninh.

Phát hiện nhiều vụ việc uy hiếp an ninh hàng không

Theo Bộ Công an, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định lực lượng kiểm soát an ninh hàng không (ANHK) chủ trì kiểm soát, kiểm tra thẻ kiểm soát ANHK của người, phương tiện vào ra khu vực sân bay. Hiện nay, thẻ kiểm soát an ninh ngắn hạn do cảng vụ hàng không cấp, số lượng thẻ cấp ra nhiều, đối tượng đa dạng, chưa được thẩm tra về lý lịch, không có ảnh nên nguy cơ làm giả, để lọt đối tượng vi phạm vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh.

Trên thực tế, khu vực cách ly xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường hàng không thời gian qua xảy ra nhiều việc phức tạp về an ninh. Một số trường hợp nhân viên cơ quan, doanh nghiệp hàng không, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài, các tổ chức quốc tế vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích, thậm chí gây khó khăn đối với việc áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an.

Điển hình năm 2013, Công an cửa khẩu sân bay Nội Bài phát hiện một khách quốc tịch Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất cảnh đã xin ra ngoài để nhận hai hộ chiếu và thẻ lên máy bay của người khác với mục đích đến Áo lao động. Năm 2016, một nhân viên nội bộ vận chuyển trái phép 3 kg vàng lên máy bay; hai nhân viên nội bộ vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh sau đó lên máy bay không làm thủ tục xuất cảnh...

Lực lượng công an diễn tập trấn áp tội phạm ở sân bay Nội Bài. Ảnh: V.LONG

Lực lượng công an diễn tập trấn áp tội phạm ở sân bay Nội Bài. Ảnh: V.LONG

Đặc biệt, thời gian qua Bộ Công an phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan an ninh quốc gia. Chẳng hạn như vụ tiến hành phá hoại bằng bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 2017, thông tin đe dọa đánh bom hãng hàng không Cathay Pacific 2019, đẩy đuổi 17 đối tượng khủng bố nước ngoài nhập cảnh Việt Nam...

Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất nghị định sẽ quy định: “Nhân viên cơ quan chuyên ngành, nhân viên phục vụ chuyến bay vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh phải có thẻ kiểm soát ANHK, sân bay hoặc thẻ giám sát viên an ninh, an toàn hàng không, có nhiệm vụ được giao tại khu vực cách ly xuất nhập cảnh và tuân thủ sự giám sát, quản lý của công an cửa khẩu. Trường hợp đặc biệt, người không thuộc diện đối tượng vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh phải được sự đồng ý của trưởng công an cửa khẩu, tuân thủ sự giám sát, hướng dẫn, quản lý của công an cửa khẩu…”.

Bộ Công an kỳ vọng quy định trên sẽ phòng chống các hành vi tiếp tay cho buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép... “Đặc biệt sẽ hạn chế các cá nhân lợi dụng danh nghĩa cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài, các tổ chức quốc tế vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích…” - Bộ Công an cho hay.

Từ chối cho hải quan cùng giám sát ở khu cách ly xuất nhập cảnh

Tham gia ý kiến đối với dự thảo này, Bộ GTVT khẳng định việc quy định: “Người vào ra khu vực cách ly xuất nhập cảnh phải được sự đồng ý, tuân thủ hướng dẫn, giám sát, quản lý của công an cửa khẩu” xung đột với các quy định về hệ thống thẻ kiểm soát ANHK hiện hành, không phù hợp với Công ước Chicago và phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị quy định rõ đối với người đã được cấp thẻ kiểm soát an ninh dài hạn khi vào ra hoạt động tại các khu vực hạn chế chỉ cần có thẻ kiểm soát an ninh theo quy định.

Giải trình về các vấn đề trên, Bộ Công an cho rằng dự thảo nghị định theo hướng người vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh vẫn phải thực hiện quy định hiện hành về việc có thẻ kiểm soát ANHK, song song đó phải chịu thêm sự quản lý của công an cửa khẩu. Quy định này nhằm nâng mức độ quản lý thêm chặt chẽ, hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly xuất nhập cảnh. “Qua đối chiếu, quy định trên không xung đột với quy định Công ước Chicago…” - Bộ Công an khẳng định.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm sự giám sát của hải quan. Cụ thể: “Người vào ra khu vực cách ly phải được sự đồng ý, tuân thủ sự hướng dẫn, giám sát, quản lý của công an cửa khẩu và hải quan cửa khẩu”. Tuy nhiên, Bộ Công an không đồng ý.

Theo Bộ Công an, việc bổ sung quy định người, phương tiện vào khu vực cách ly phải được cơ quan hải quan cho phép chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Lực lượng hải quan có nhiệm vụ kiểm tra phương tiện, hành lý, hàng hóa khi người, phương tiện đã được công an cửa khẩu, lực lượng kiểm soát ANHK cho phép vào khu vực cách ly. Ngoài ra, khu vực cách ly xuất nhập cảnh có ranh giới không trùng với điểm kiểm tra của lực lượng hải quan...•

Khu vực cách ly phải cần quản lý nghiêm ngặt

Theo Bộ Công an, khu vực cách ly phải cần quản lý nghiêm ngặt vì quy chế pháp lý đối với hành khách trong khu vực này mang tính đặc thù. Người ở khu vực cách ly nhập cảnh mặc dù đã ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng về thủ tục là chưa nhập cảnh Việt Nam. Người ở khu vực cách ly xuất cảnh vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng về thủ tục là đã xuất cảnh. Do đó, việc áp dụng quy định pháp luật tại khu vực cách ly cũng sẽ có những đặc thù trong xử lý vụ việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm