Ngay trước phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội thứ 3, khoá XV, GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nguồn lực và Nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề những vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam (VN) hiện nay đặt trong bối cảnh trong nước và toàn cầu.
GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nguồn lực và Nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Pháp). Ảnh: CHÂN LUẬN |
Đây là thời điểm phù hợp để điều chỉnh
.Là một chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước, ông có thể cho biết tóm lược tình hình kinh tế thế giới hiện nay và những tác động đến kinh tế VN?
+ GS. Nguyễn Đức Khương: Tôi có những quan tâm đặc biệt đến tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Có rất nhiều chủ đề nóng và tác động phức tạp, trực tiếp đến những nền kinh tế mở như nước ta.
Cũng như VN, nhiều nước đã đi qua đại dịch Covid-19, được bao phủ vắc xin, miễn dịch cộng đồng và bước vào thời kỳ phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Từ bài học của hai năm qua, họ đã bắt đầu thực thi những giải pháp rất cụ thể để lấy lại tăng trưởng, nâng cao tính tự cường, bền vững của nền kinh tế, quan tâm xây dựng năng lực cho y tế cộng đồng.
Trọng tâm chính sách của hầu hết các nước phát triển là tìm cách hỗ trợ nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực, ngành nghề và chủ thể bị tổn thương nặng nề; thúc đẩy tăng tưởng và thu ngân sách để cân đối thu-chi; ưu tiên các đầu tư khẩn cấp và đầu tư cho tương lai nhằm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chiến tranh Nga – Ukraina cùng với các thay đổi về địa chính trị đang cản trở những nỗ lực phục hồi này. Giá cả gia tăng dưới tác động của chiến tranh và sau hàng loạt các gói giải cứu ứng phó với Covid-19 dẫn tới lạm phát có thể kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế.
.Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và Chính phủ, thu ngân sách ở nước ta năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 tăng đáng kể. Ông có đánh giá gì?
+ Thu chi ngân sách là một trong các chỉ số quan trọng để đánh giá ổn định vĩ mô và năng lực tự chủ đầu tư công. Các quốc gia đều phải tìm cách tránh thâm hụt ngân sách (thu không đủ chi) vì nó đưa đến hạn chế đầu tư công, phải vay nợ để tiếp tục vận hành bộ máy kinh tế. Dưới tác động của Covid-19, thâm hụt ngân sách của rất nhiều quốc gia trở nên nghiêm trọng hơn. Năm 2021, trừ Đan Mạch và Luxembourg có bội thu ngân sách (lần lượt là +2.3% và +0.9%), còn lại tất cả các nước thành viên EU đều thâm hụt ngân sách. Ví dụ ở Pháp là -6,5% GDP năm 2021 (tức 160,9 tỷ euro), sau mức thâm hụt -8,9% năm 2020.
Ở phạm vi toàn thế giới, cũng rất ít quốc gia cân đối được thu chi ngân sách. VN nằm trong số ít các quốc gia này khi đảm bảo được nguồn thu ngân sách, thậm chí còn tăng. Việc nhanh chóng kiểm soát tốt được dịch bệnh rõ ràng tạo điều kiện cho nền kinh tế duy trì và phục hồi.
Thu ngân sách đến từ các khoản thu thuế, phí, thuế thu nhập doanh nghiệp…Theo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 của Chính phủ thì phần tăng đến chủ yếu từ các khoản thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu, đất đai và sản xuất, kinh doanh.
Có hai khoản đặc biệt cần nhấn mạnh. Thu từ dầu thô hưởng lợi từ bối cảnh quốc tế, giá nhiên liệu tăng. Xuất nhập khẩu tăng mạnh là một điểm sáng của nền kinh tế nước ta, nhờ tận dụng tốt các cơ hội thị trường quốc tế. Với bối cảnh hiện tại, những quốc gia có mô hình kinh tế phụ thuộc lớn vào dịch vụ du lịch như Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngân sách tăng cho phép nhà nước có thêm nguồn lực phòng chống dịch, tăng cường an sinh xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược), thay vì phải phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng các khoản nợ công, đưa đến tăng lạm phát…Chính phủ cũng có thêm nguồn lực cho các đầu tư tương lai, cho phát triển bền vững.
Giai đoạn này cũng rất phù hợp để đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm và thực hiện những điều chỉnh cần thiết cho phân bổ, giao dự toán hiệu quả hơn. Để đảm bảo kỷ cương ngân sách thì việc tăng cường năng lực phân tích, dự báo về thu NSNN là rất cần thiết. Tinh thần quyết tâm cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần được thể hiện bằng các chỉ số KPI, đặc biệt thông qua thúc đẩy trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.
Việt Nam đi sau nhiều nước về chi ngân sách
.Nhiều ý kiến cho rằng chi NSNN đang gặp rất nhiều khó khăn. Ý kiến của ông thế nào về việc này?
+ Chi NSNN phụ thuộc không chỉ vào cơ chế, các quy định, quy trình thủ tục (lập dự toán, phê duyệt, thực hiện, thanh quyết toán) mà còn phụ thuộc cả vào các công cụ hỗ trợ (số hóa, các hệ thống thông tin dùng để theo dõi thủ tục giấy tờ, lương, thuế, hải quan,…). Trên cả hai mảng này, VN đều đi sau nhiều nước và còn cần thêm thời gian để phát triển có tính hệ thống, có kết nối, có tương thích.
Những khó khăn khi chi tiêu NSNN thời gian qua có thể đến từ những quy trình thủ tục hiện có, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đó phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được các hợp đồng mua sắm. Việc thực thi cũng cần được tổ chức chuyên nghiệp, minh bạch, chủ động và sáng tạo.
Qua đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia cũng đã phải nhìn nhận lại cách sắp xếp tổ chức, vận hành, quy trình ra quyết định để thích ứng với những tình hình mới, phức tạp. VN cũng không ngoại lệ, và ở đây không chỉ có vấn đề triển khai các dự án đầu tư công, việc mua sắm, sử dụng nguồn chi thường xuyên của NSNN, mà cả về quy trình, thủ tục, quy định pháp luật, phương pháp, tinh thần, thái độ thực hiện nhiệm vụ.
Từ thực tiễn này, theo tôi đây là lúc nhìn lại, quyết tâm cải cách thủ tục, quy trình, xây dựng hệ thống số hóa mạnh mẽ. Với các chương trình hỗ trợ, cần thực sự đi vào chất lượng để không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, mà còn tạo động lực phục hồi, phát triển cho các lĩnh vực quan trọng, lâu dài như y tế, giáo dục.
Đầu tư cơ sở hạ tầng là tạo ra các huyết mạch của nền kinh tế, kết nối thông thương vùng miền. Ảnh: VGP |
.Chắc ông cũng đã nghe nói về chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc mà Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp lần này. Ông thấy chủ trương này thế nào?
+ Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không chỉ tạo công ăn việc làm mà quan trọng hơn là tạo ra các huyết mạch của nền kinh tế, kết nối thông thương vùng miền. Đây là điều kiện quan trọng của phát triển kinh tế, sự bứt phá của nước ta trong thời gian tới, đảm bảo tiến nhanh đến thịnh vượng và bền vững.
Chúng ta cần tập trung nguồn lực đầu tư hiệu quả các công trình hạ tầng chiến lược, tạo ra ngoại ứng tích cực với hoạt động kinh tế - xã hội và từ đó thu hút đầu tư. Điều cần nhất là phải làm nhanh, chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực.
Nên có quy hoạch tổng thể, từ đường bộ, đường sắt cao tốc, đường hàng không và đặc biệt đường biển (hệ thống cầu cảng) khi xu hướng quốc tế là kinh tế hướng ra biển. Từ đó tìm các nguồn lực phát triển mới.
Chính phủ đang cho thấy nỗ lực lớn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Cùng với hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc đầu tư 5 tuyến đường cao tốc trình Quốc hội lần này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thúc đẩy liên kết vùng. Cũng cần chú ý đến tầm nhìn quy hoạch dài cho việc mở rộng các tuyến đường này ở những giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nỗ lực làm minh bạch là tín hiệu tốt
.Gần đây Chính phủ đang quyết tâm làm trong sạch, minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản. Ông đánh gia thế nào về triển vọng trong thời gian tới?
+ Thị trường chứng khoán, khi phản ánh đúng sức khỏe nền kinh tế, sẽ là một kênh tốt để huy động và phân bổ vốn hiệu quả giữa các ngành nghề, thúc đẩy những khu vực, doanh nghiệp có hiệu suất cao hay nhiều tiềm năng. Bất động sản cũng là một ngành có tăng trưởng rất cao trong giai đoạn đầu phát triển của hầu hết các quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện an sinh, cơ sở hạ tầng cho các ngành nghề khác. Các thị trường này vận hành thông suốt, hiệu quả thì nền kinh tế mới có tiềm lực vốn để phát triển nhanh và bền vững được.
Ở nước ta, hoạt động trên cả hai thị trường này còn mang nặng tính đầu cơ, thay vì đầu tư, nhiều khi mang tính tâm lý hơn là các giá trị thực sự. Sự bất thường này đến từ chính các cá nhân tham gia thị trường và nhiều doanh nghiệp tận dụng kẽ hở pháp luật để lũng đoạn thị trường.
Đã đến lúc điều chỉnh dòng tiền đầu tư vào các ngành tạo ra giá trị gia tăng đột phá lâu dài, như sản xuất kinh doanh với công nghệ mới thay vì vào bất động sản. Thị trường chứng khoán cần được minh bạch, có cơ chế điều tiết, xử lý nghiêm các hành vi lũng đoạn và giao dịch nội gián.
Ở góc độ này, nỗ lực làm minh bạch thị trường là tín hiệu tốt và là giai đoạn bắt buộc phải đi qua. Cơ hội được thăng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi của VN không chỉ phụ thuộc quy mô mà còn là chất lượng thể chế, thanh khoản và sự minh bạch của thị trường nội địa.
VN đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đang trong quá trình phục hồi với những kết quả kinh tế tích cực. Vĩ mô ổn định, lực lượng doanh nghiệp năng động đang là “lực hấp dẫn” quan trọng cho những triển vọng tích cực sắp tới.
.Hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ mới, đặt trong vai trò giám sát Chính phủ, nên như thế nào thì tạo ra những đột phá lớn cho VN?
+ Với vai trò là cơ quan lập pháp, ban hành pháp luật và thực hiện chức năng giám sát pháp luật, Quốc hội có thể hỗ trợ rất tốt Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc khắc phục các hạn chế, bất cập trong qúa trình thực thi luật.
Đặc biệt, đối với những nền kinh tế đang phát triển như VN và trong một thế giới đầy biến động, có nhiều vấn đề mới chưa được luật quy định cụ thể thì cần được nghiên cứu và bổ sung kịp thời trong hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách. Có thế thì mới nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt cho sản xuất, kinh doanh.
Quốc hội cũng cần tăng cường năng lực chủ động nghiên cứu, đề xuất các đạo luật. Kinh nghiệm tại Pháp cho thấy mỗi đại biểu có một ngân sách để trả công cho các cộng sự, chuyên gia cùng suy nghĩ và đề xuất các đạo luật mới.
.Xin cảm ơn ông!