Trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 vào chiều 31-10, đại biểu (ĐB) Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) đã “rất đồng ý” với báo cáo giám sát của Đoàn giám sát tối cao về tiết kiệm, chống lãng phí. Ông nói “thích báo cáo này vì đã chỉ rõ các nguyên nhân...”
ĐB Bế Trung Anh ghi nhận các thành công khi khắc phục tồn tại của lãng phí nhưng trong báo cáo còn nhiều nội dung “thiếu tích cực”, đáng buồn, với những con số gia tăng theo thời gian.
“Trong y học có câu “nếu không chỉ đúng nguyên nhân của bệnh thì không thể kê đơn thuốc chính xác và cũng không thể trị bệnh” - ĐB Bế Trung Anh dẫn đề.
Đầu tiên ông đề cập đến “tinh giản bộ máy, giảm biên chế” mà báo cáo nói đang đi đúng quỹ đạo, các quy trình, thủ tục đang rất chính xác và năng suất lao động đang thấp.
ĐB Bế Trung Anh cho rằng giả định trên là thiếu thuyết phục, hay ít ra "còn có cách giải thích khác”. Giảm biên chế, tinh giản bộ máy không thể là cứu cánh nâng cao hiệu suất làm việc của bộ máy.
“Thuật ngữ năng suất lao động thấp” khiến cho bao con mắt đang đổ dồn vào năng lực, hiệu suất, thái độ làm việc trong phần đông cán bộ, công chức, viên chức. “Điều này khiến họ rất khổ tâm, thiếu tự tin” - ĐB Bế Trung Anh nói.
|
ĐB Bế Trung Anh phát biểu chiều 31-10 tại Quốc hội. Ảnh: PT |
Dẫn thực tế và phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ĐB Bế Trung Anh nói chất lượng giáo dục và y tế không thấp.
“Các cháu sinh viên tham dự các kỳ thi luôn đạt thành tích cao trong khu vực và thế giới. Công nhân thi tay nghề luôn đạt các giải đặc biệt... Điều này khiến chúng ta không thể nghi ngờ năng lực làm việc của phần đông lao động. Cuối năm, đánh giá thi đua lao động các bộ ngành đều chỉ ra thành tích lao động chủ yếu là xuất sắc, tốt, rất khó tìm được chức danh “hoàn thành nhiệm vụ” - ĐB Bế Trung Anh nêu.
ĐB Bế Trung Anh cũng đề cập đến ý kiến nhiều đại biểu khác về việc muốn tăng năng suất lao động thì “tăng cường bồi dưỡng, chấn chỉnh, cải cách giáo dục đào tạo... như thể năng suất lao động thấp là lỗi của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH".
“Như vậy chúng ta vẫn đang nhìn thẳng vào bên cạnh sự thật” - ĐB Bế Trung Anh nói.
Theo ông, nửa sự thật khác cần nhìn nhận là quy trình thủ tục còn rườm rà, nhiều cái không còn phù hợp dẫn đến năng suất lao động thấp, rất thấp.
Dẫn chiếu báo cáo giám sát, ĐB Bế Trung Anh nói nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế là việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm. Ông đề nghị tiếp tục làm rõ hai công đoạn nữa là “ai, tổ chức nào chấp hành luật chưa nghiêm, theo luật phải làm thế nào”.
Nếu không thực hiện hai công đoạn này thì có nghĩa chúng ta có luật nhưng chưa làm theo hoặc chưa dùng đến, tức là lãng phí luật.
Theo ông, chấp hành pháp luật không nghiêm và xử lý không thích đáng thì chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các vi phạm, lãng phí tiếp tục phát triển. Đây là lãng phí tiềm tàng, gây thiệt hại lớn. Mỗi bộ luật làm mất tối thiểu một năm... tốn kém như vậy thì phải sử dụng hết quyền năng của luật.
Từ tiền đề như vậy, ĐB Bế Trung Anh đưa ra ba kiến nghị. Thứ nhất, tuyệt đối có một thứ không nên tiết kiệm là làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Thứ hai là nên cải cách thể chế theo hướng tăng năng suất chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và phải làm ngay. Và thứ ba là không nên lãng phí luật.