Cái sân Sa Đéc truyền thống - nơi chứng kiến những đôi chân của thế hệ đầu năm 1982 lúc bóng đá Đồng Tháp mới được biết đến ở giải A2 toàn quốc – được rào kín bằng tôn, chuẩn bị cho các công trình mới, nhưng với những người đàn anh ở thời kỳ đầu là cả một trời kỷ niệm…
Mỗi người một hoàn cảnh
Có ai ngờ một cựu thủ môn như Lê Văn Cang 42 năm sau thời hoàng kim gắn với cái sân Sa Đéc đấy giờ khập khiễng với cái chân giả và di chứng sau lần đột quỵ bị bại liệt, hàng ngày rong ruổi với xấp vé số để kiếm sống. Ngồi bên nhau ôn lại những kỷ niệm cũ không ai nhận ra sự khác biệt nơi một “lão Cang” bươn chải kiếm sống với Việt kiều Trần Văn Bạch – tiền đạo một thời đã bước sang tuổi 74, hay doanh nhân Nguyễn Tất Thành vốn là thủ môn kỳ cựu trong thành phần vô địch quốc gia năm 1989… Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi một cuộc sống riêng nhưng khi bên nhau họ luôn tồn tại với cái tình đồng đội ngày nào.
“Lão Cang” đã không còn phải lò cò trên chiếc chân còn lại với xấp vé số đi khắp Sa Đéc. Người thủ môn cựu trào kém may mắn ngày nào giờ đã có chiếc xe máy chuyên dụng của những anh em đồng đội ngày nào giúp bạn mình dễ di chuyển hơn với cuộc sống sinh nhai hàng ngày.
Cái tình với người đồng đội đã khuất
Cái tình đồng đội của họ còn đến với những người đã khuất. Nén nhang và những điếu thuốc bên phần mộ tiền đạo Thái Học và câu chuyện về bàn thắng duy nhất trong trận chung kết thắng CLBQĐ (Thể Công) ngay trên sân Hàng Đẫy đưa Đồng Tháp lên ngôi vô địch toàn quốc được HLV Đoàn Minh Xương thuật lại mang đậm giá trị truyền thống: “Tân binh Đồng Tháp vào đến chung kết là bất ngờ, đã thế lại gặp một CLBQĐ rất mạnh trên sân Hàng Đẫy, khi ra sân nhiều người còn chọc ghẹo mấy cầu thủ miền Nam trận này chịu được bao nhiêu phút và thua bao nhiêu bàn? Rồi nửa cuối hiệp 2, bàn thắng duy nhất của Đồng Tháp đã dập tắt tất cả, thậm chí khán giả thủ đô còn quay sang cổ vũ cho Đồng Tháp.
Đó là bàn thắng của Phạm Anh Tuấn nhưng công lớn là của Thái Học, của người anh em đang nằm dưới phần mộ này. Chính Thái Học đã di chuyển rất khôn ngoan làm mồi nhử để trung vệ Quản Trọng Hùng dâng lên bẫy việt vị. Chớp lấy cơ hội vàng đấy, Phạm Anh Tuấn thoát xuống phá việt vị và ghi bàn duy nhất đưa Đồng Tháp lên ngôi vô địch…”.
Nhắc lứa cầu thủ hiện tại về những giá trị truyền thống
Cũng đề cập đến những người đã khuất là một phần của bóng đá Đồng Tháp các anh em cũng nhắc nhớ đến trung vệ Nguyễn Quang Hùng, người nổi tiếng hiền lành nhưng rất lì lợm và là chuyên gia bắt chết những trung phong đối phương góp phần cùng thế hệ vàng Đồng Tháp vô địch năm 1996. Các đồng đội của anh ngày nào kể lại người đồng đội có những lúc tập xong hay sau trận đấu cứ ngồi ôm bụng chịu đau. Hết giải, thầy Xương dẫn lên Sài Gòn khám chuyên khoa thì phát hiện những cơn đau đấy là ung thư giai đoạn cuối và chỉ vài tháng sau thì Quang Hùng đi.
Câu chuyện ngay trước phần mộ người đã khuất thật cảm động và cùng đầy hào hùng như nhắc nhở các thế hệ cầu thủ Đồng Tháp bây giờ hãy luôn gìn giữ những giá trị truyền thống đấy. Và cũng thật xúc động khi những thế hệ đàn anh từ cha, ông, chú, bác đến các anh đi trước, từ thế hệ cựu trào như Trần Văn Bạch hay HLV Đoàn Minh Xương, Phạm Duy Tiến, Lai Hồng Vân đến thế hệ vàng của Trần Công Minh, Huỳnh Quốc Cường, Ngô Công Nhậm, Trịnh Tấn Thành, Văn Tuấn, Văn Hùng, Võ Minh Tâm, Trần Thiện Bình… đến Đoàn Hoàng Sơn, Phan Thanh Bình, Lê Văn Tưởng, Văn Nghĩa… đã đến tận sân Cao Lãnh xem và động viên thế hệ cầu thủ Đồng Tháp hôm nay hãy vượt khó và gìn giữ các giá trị truyền thống.
Hai cựu cầu thủ Đồng Tháp và hai hoàn cảnh đặc biệt trên sân bóng huyện Hồng Ngự
Chiều 16-1, một trận bóng giao lưu giữa Các thế hệ cựu cầu thủ Đồng Tháp và Lão tướng Hồng Ngự được tổ chức thật ấm cúng nhưng ý nghĩa hơn là những phần quà được trao cho hai cựu cầu thủ Đồng Tháp có hoàn cảnh đặc biệt. Một là cựu cầu thủ Phan Văn Sanh bị tai nạn làm mù đôi mắt nhưng Sanh vẫn đam mê bóng đá không chịu thua số phận. Trời lấy của anh đôi mắt nhưng lại cho anh có những giác quan rất đặc biệt và khả năng truyền lửa cho các học trò năng khiếu.
Những đội bóng năng khiếu của thầy Sanh nhiều lần đoạt giải vô địch và ông thầy khiếm thị đấy chiều 16-1 được tiếp lửa thêm bằng nhiều phần quà ý nghĩa và những vật dụng trong huấn luyện bóng đá trẻ để anh Sanh tiếp tục với nghiệp HLV mà anh đam mê. Hoàn cảnh thứ hai là cựu cầu thủ Lê Văn Ngôn ở tuổi 70 nhưng hàng ngày vẫn phải nhọc nhằn di chuyển từ cù lao Long Khánh qua Hồng Ngự làm trọng tài bóng đá vừa để thoả mãn đam mê vừa để có nguồn thu nhập duy nhất kiếm sống…