Nên thống nhất từ 60 là già

Trong xã hội, người già được hiểu là người cao tuổi, là người được xã hội kính trọng, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ. Theo tài liệu về y sinh học quốc tế thì người từ 60 đến 74 tuổi là người có tuổi, từ 75 đến 89 tuổi là người già, từ 90 tuổi trở lên là người già sống lâu.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, BLHS có đề cập đến người già nhưng lại không quy định người như thế nào được coi là người già. Tại tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01 ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS) thì người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên.

Trước đây, trong quá trình soạn thảo, thông qua Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000, nhiều ý kiến đề nghị lấy tên là Pháp lệnh về người già, Pháp lệnh về chăm sóc, bảo vệ người già... Tuy nhiên, các ý kiến này đều không đưa ra được khái niệm thế nào là người già, bao nhiêu tuổi là người già. Mặt khác, nếu chỉ căn cứ vào độ tuổi thì cũng không chính xác vì thực tế có người 70-75 tuổi vẫn còn khỏe mạnh, cường tráng, không ít người còn lấy vợ, sinh con... Cuối cùng tên gọi của pháp lệnh là Pháp lệnh Người cao tuổi (trong pháp lệnh tuyệt nhiên không nhắc đến khái niệm người già).

Theo tôi, nên hiểu người già quy định trong BLHS với người cao tuổi quy định trong Luật Người cao tuổi (thay thế Pháp lệnh Người cao tuổi) là hai khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, về xã hội cũng như về y sinh học thì người già và người cao tuổi giống nhau ở một điểm là độ tuổi. Nếu căn cứ vào hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì có thể hiểu người già là người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, còn người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên; trong số những người cao tuổi, những người từ 70 tuổi trở lên là người già, những người từ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi chưa phải người già. Hiểu như vậy thì hướng dẫn của TAND Tối cao không mâu thuẫn với Luật Người cao tuổi.

Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, trong xã hội không nên có hai khái niệm khác nhau đều nói về một đối tượng lại được quy định ở hai văn bản pháp luật khác nhau. Về lâu dài, thiết nghĩ các nhà làm luật cần nghiên cứu, thống nhất lấy một khái niệm chung mà theo chúng tôi, nên dùng khái niệm “người cao tuổi” như đã quy định tại Luật Người cao tuổi.

Việc sửa đổi, bổ sung BLHS cần phải có thời gian, theo một quy trình tương đối chặt chẽ. Trong khi Quốc hội chưa sửa đổi, bổ sung BLHS thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006 theo hướng: “Người già được xác định là người từ đủ 60 tuổi trở lên” cho phù hợp với Luật Người cao tuổi.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm