Sáng 27-7, không như dự kiến sẽ bắt đầu phần tranh luận, HĐXX cho quay lại phần xét hỏi vụ siêu lừa Dương Thanh Cường và Trầm Bê cùng các đồng phạm gây thất thoát 505 tỉ đồng.
Hồ sơ cáo buộc bị cáo Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng các thuộc cấp bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các bị cáo vay vốn bằng tài sản đảm bảo không đủ điều kiện, cho vay vốn trái quy định khiến Ngân hàng Phương Nam thiệt hại. Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank từ tháng 10-2015.
Bị cáo Phan Huy Khang. Ảnh: HY
Hiện có hai con số liên quan đến thiệt hại của vụ án là 331 tỉ và 505 tỉ đồng. Kết luận của cơ quan điều tra, số tiền thiệt hại trong vụ án này là 331 tỉ đồng, còn Sacombank cho rằng thiệt hại là 505 tỉ đồng.
Lý giải tại tòa, đại diện của Sacombank cho rằng khi sáp nhập ngân hàng thì sổ sách giấy tờ tính số nợ này là 505 tỉ đồng, còn việc tính toán thế nào thì người đại diện không rõ. Sacombank giữ nguyên con số yêu cầu bồi thường là 505 tỉ đồng.
Đại diện VKS đặt vấn đề với đại diện Sacombank là sẽ nhận tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo hay nhận xử lý tài sản. Đơn vị này mong HĐXX tạo điều kiện cho Sacombank xử lý 23 giấy chứng nhận vì tài sản này đang do Sacombank nắm giữ.
Nêu quan điểm sau trả lời của phía Sacombank, VKS cho rằng ngân hàng vừa muốn nhận một phần tiền khắc phục hậu quả, giờ lại muốn xử lý cả vật chứng vụ án như vậy là được bồi thường 2 lần? Đại diện Sacombank đáp trong trường hợp HĐXX xem xét phần khắc phục của bị cáo thì Sacombank sẽ căn cứ trên quyết định của HĐXX.
Trà lời VKS, bị cáo Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTD) cho rằng kết luận điều tra của Bộ Công an xác định số thiệt hại trong vụ án này là 331 tỉ đồng là phù hợp. Còn nếu tính theo yêu cầu của bị hại Sacombank thì "các bị cáo ở đây khóc hết nước mắt”.
23 bất động sản liên quan đến khoản vay của công ty bị cáo Cường trong vụ án được định giá hơn 582 tỉ đồng và đang được kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
CQĐT và VKS xác định phần giá trị dôi ra của khu đất này sau khi thi hành án (khoảng 171 tỉ đồng) cho Agribank, phần còn lại sẽ đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng Phương Nam. Số thiệt hại còn lại của Ngân hàng Phương Nam sẽ do các bị cáo Cường, Bê và đồng phạm liên đới bồi thường.
Tại tòa, bị cáo Bê khai khi Phương Nam bàn giao cho Sacombank thì ông không tham gia nên không biết việc chốt số tiền 505 tỉ đồng dựa trên cơ sở nào nhưng cái này tính cả lãi lẫn vốn. Ông Bê cũng tái khẳng định “tài sản đó nếu giao thì ngân hàng không đủ điều kiện đi làm dự án, nhưng giao người khác đi làm dự án thì ngân hàng có thể thu hồi số tiền thiệt hại”.
Bị cáo Dương Thanh Cường và Trầm Bê. Ảnh: HY
Phần bị cáo Cường vẫn nhất quyết có thể khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án thay các bị cáo khác dù không có tiền mặt.
Bị cáo này trình bày nếu đất đó bị nhà nước thu hồi để làm dự án khác thì có thể ủy quyền cho người khác nhận phần bồi thường này và lấy tiền đó để khắc phục hậu quả.
Hiện nay, có người sẵn sàng "mua lúa non" các thửa đất này với giá khoảng 7 triệu đồng/m2. Nếu HĐXX tạo điều kiện thì hơn 10ha đất có thể vừa khắc phục được hậu quả cho Sacombank lại vừa trả được nợ cho ngân hàng Agribank.
Ngược lại, đại diện VKS cho rằng hiện sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng. Đất này đều là đất nông nghiệp nên muốn chuyển nhượng phải có điều kiện và phải có dự án phê duyệt và chuyển quyền sử dụng đất và người sử dụng đất sẽ được bồi thường. Chính vì sổ không sang tên được, bi cáo không có dự án, Phương Nam không có dự án.
Phiên tòa tạm nghỉ buổi chiều. Sáng mai 28-7, tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.