Nga có loạt tên lửa bất khả chiến bại giúp gì cho ông Putin khi đàm phán với Mỹ?

Với các tên lửa siêu thanh Avangard, Kinzhal và giờ là Tsirkon (Zircon), Nga đang dẫn đầu cuộc đua phát triển một loạt vũ khí siêu thanh mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là “bất khả chiến bại”.

Theo báo The Mosow Times, bước đi mới nhất của Nga trong tuần này là thêm một lần thành công trong việc thử nghiệm tên lửa siêu thanh Tsirkon phóng từ tàu chiến.

Tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon (Zircon) được phóng từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov hôm 19-7. Ảnh: Russian Defense Ministry Press Service/AP

Được phóng từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov – một trong những tàu chiến uy lực nhất của Nga, tên lửa Tsirkon đã bay quãng đường hơn 350 km với tốc độ gấp bảy lần vận tốc âm thanh và đánh trúng một mục tiêu trên bờ biển biển Barents.

Nếu có thêm nhiều cuộc thử nghiệm thành công, Tsirkon có lẽ sẽ cùng phương tiện lượn siêu thanh Avangard và tên lửa phóng từ trên không Kinzhal gia nhập kho vũ khí siêu thanh của Nga.

Tên lửa siêu thanh có khả năng di chuyển với vận tốc nhanh gấp ít nhất năm lần tốc độ âm thanh và cơ động giữa hành trình bay. Điều này khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn hơn so với tên lửa truyền thống.

Và các chuyên gia đồng ý rằng Nga có lợi thế hơn trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh, ít nhất là bây giờ.

“Không ai ngoại trừ Nga có vũ khí siêu thanh song mọi người đều muốn có chúng” – nhà phân tích quốc phòng độc lập tại Moscow (Nga) Alexander Golts nói với hãng tin AFP.

Trong bài phát biểu thông điệp liên bang năm 2018, Tổng thống Putin lần đầu tiên tiết lộ một loạt vũ khí siêu thanh. Nhà lãnh đạo Nga đã tự hào rằng những vũ khí này có thể qua mặt được tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.

Thành tựu “đáng nể”

Mỹ, Trung Quốc, Pháp và các cường quốc khác đã thông báo kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh của riêng họ và dự kiến sẽ sớm bắt kịp Nga.

“Nga hoàn toàn hiểu được khởi đầu của họ chỉ là tạm thời. Người Mỹ sẽ bắt kịp trong vài tháng, một năm rưỡi hoặc hai năm” – ông Igor Delanoe, phó giám đốc Đài quan sát Pháp – Nga tại Moscow nhận định.

Phương tiện lượn siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: TASS

Sau khi Nga thử nghiệm thành công Tsirkon, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng tên lửa siêu thanh mới của Nga có khả năng gây bất ổn và đặt ra rủi ro đáng kể. Trong khi đó, một quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói rằng tên lửa siêu thanh của Nga đang tạo ra nguy cơ leo thang và tính toán sai lầm lớn hơn.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng mặc dù những tên lửa siêu thanh mới của Nga rất ấn tượng nhưng chúng không phải là công nghệ thay đổi cuộc chơi.

Ông Golts nói rằng tên lửa Avangard mà giới chức Nga tuyên bố có thể đạt tới vận tốc 33.000 km/giờ trong các cuộc thử nghiệm là một thành tựu khoa học đáng nể.

“Tuy nhiên từ góc độ quân sự thì hoàn toàn không có sự khác biệt nào giữa tên lửa này với một đầu đạn thông thường vốn sẽ đi theo một quỹ đạo đường đạn trong không gian và rồi tấn công lãnh thổ Mỹ mà không cần luồn lách” – ông Golts nói.

Với kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới và một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, Nga có thừa năng lực quân sự để răn đe kẻ thù.

Lá bài mặc cả

Vậy chi hàng tỉ USD cho vũ khí mới siêu thanh có ý nghĩa gì?

Theo học giả nghiên cứu Cameron Tracy tại Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế thuộc ĐH Stanford (Mỹ), vũ khí siêu thanh mới cung cấp cho ông Putin lá bài để sử dụng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với phía Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik/Reuters

“Đây là một chiến lược phổ biến để phát triển hệ thống vũ khí mới với ý tưởng rằng bạn sẽ không thực sự triển khai chúng nhưng bạn sẽ đem chúng ta trao đổi trong các cuộc đàm phán” – ông Tracy nói.

Ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi về khôi phục các cuộc đàm phán về sự ổn định chiến lược sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga.

 “Đó chắc chắn là giai đoạn mở đầu của một cuộc chạy đua vũ trang. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta nhìn thấy các nước nhỏ hơn cũng phát triển vũ khí siêu thanh” – chuyên gia về vũ khí hạt nhân Hans Kristensen tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FSA) nói.

“Không ai thực sự biết chuyện này sẽ diễn ra như thế nào. Hiện giờ đó là một cuộc chạy đua nguy hiểm… nếu và khi họ bổ sung khả năng hạt nhân cho tên lửa, điều này sẽ tạo ra những thách thức an ninh thậm chí nguy hiểm hơn” – ông Kristensen nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới