Nga đã trưng bày hệ thống tên lửa hạt nhân siêu thanh mới nhất của nước này trước trước các thanh sát viên của Mỹ như một phần trong hiệp ước kiểm soát vũ khí song phương trước khi tên lửa này được triển khai, hãng thông tấn Interfax đưa tin ngày 26-11.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối năm ngoái nói rằng Nga sẽ sẵn sàng triển khai hệ thống tên lửa Avangard trong một năm nữa. Là một trong nhiều vũ khí mới được công bố năm 2018, tên lửa siêu thanh Avangard được ca ngợi có tính cơ động cao, có thể qua mắt các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tên lửa Avangard. Ảnh: The Moscow Times
Bộ Quốc phòng Nga đã giới thiệu một bản thử nghiệm hệ thống Avangard trước một nhóm thanh sát viên của Mỹ tới thăm Nga ngày 24 đến 26-11, theo Interfax.
“Phía Nga đã mở buổi giới thiệu này nhằm giúp đảm bảo khả năng tồn tại và tính hiệu quả của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới”, quân đội Nga nói và cho biết thêm nước này có kế hoạch đưa tên lửa Avangard vào nhiệm vụ chiến đấu trước cuối năm nay.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Putin nói rằng tên lửa Avangard có khả năng đổi đường bay giữa chừng, do đó không dễ bị phát hiện và khó bị đánh chặn.
Ông Putin lưu ý tới tốc độ của Avangard, nói rằng tên lửa này bay giống như một thiên thạch hoặc quả cầu lửa với vận tốc hơn Mach 20 (tức gấp 20 lần tốc độ âm thanh) và có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại.
Hiệp ước START mới do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký năm 2010. Đây là hiệp ước thay thế cho START I được Mỹ và Liên Xô ký trước khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Theo tinh thần của START mới, bảy năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia hiệp ước không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai, như: tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.
START mới cũng quy định các bên tham gia phải trao đổi thông tin về số lượng các phương tiện vận chuyển và đầu đạn đang sở hữu theo định kỳ một năm hai lần.
Nga nói rằng nước này muốn gia hạn Hiệp ước START mới trước khi hết hiệu lực vào tháng 2-2021, trong khi Mỹ nói nước này sẽ chờ tới năm sau mới quyết định.