Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần này, tướng Không quân Mỹ Terrence O’Shaughnessy đặc biệt tập trung vào tên lửa siêu thanh Avangard của Nga.
Ông O’Shaughnessy cho rằng tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có tốc độ di chuyển 32.000 km/giờ, đủ nhanh để đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và có khả năng tấn công đất liền Mỹ trong vòng 15 phút.
Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: SPUTNIK NEWS
Ông O’Shaughnessy, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ Canada - Mỹ (NORAD), thừa nhận các tên lửa hạt nhân và thông thường của Nga đặt ra “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” cho Mỹ.
Theo vị tướng này, những tên lửa này có thể được phóng đi với phạm vi lớn hơn và độ chính xác cao hơn những khí tài tiền nhiệm, cho phép chúng tấn công Bắc Mỹ ở khoảng cách nằm ngoài phạm vi bao quát của hệ thống radar của NORAD.
Cũng theo ông O’Shaughnessy, tàu ngầm lớp Severodvinsk mới của Nga có khả năng mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Ông cho rằng tàu ngầm trên “ít gây tiếng ồn nhưng mang khả năng sát thương cao hơn hẳn các tàu ngầm tấn công trước đây của Nga”.
Bình luận của vị tướng Mỹ đến không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chế tạo tên lửa siêu thanh Avangard trong bài phát biểu trước Hội đồng Liên bang ngày 20-2. Ông Putin nói rằng việc chế tạo tên lửa Avangard có thể sánh ngang việc chế tạo ra vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên Trái đất.
Hồi năm ngoái, ông Putin nói rằng tên lửa Avangard có khả năng đổi đường bay giữa chừng, do đó không dễ gì bị phát hiện và khó lòng bị đánh chặn. Ông Putin lưu ý tới tốc độ của Avangard, nói rằng tên lửa này bay giống như một thiên thạch hoặc quả cầu lửa với vận tốc hơn Mach 20 (tức gấp 20 lần tốc độ âm thanh) và có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại.
Siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga. Ảnh: SPUTNIK NEWS
Quân đội Nga cuối năm ngoái xác nhận phóng thử thành công tên lửa Avangard từ bãi thử Dombarovsky tại miền Nam nước Nga tới bãi thử ở Kura ở bán đảo Kamchatka ngày 26-12. Avangard đã tấn công trúng mục tiêu giả định cách địa điểm phóng 6.000 km.
Mỹ không thể bắn hạ tên lửa tối tân của Nga
Mỹ sẽ gặp vấn đề khi chặn các tên lửa tối tân của Nga trong tương lai, đó là lý do cần phải gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) với Nga nhằm kiểm soát những loại vũ khí như vậy. Đây là tuyên bố của tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM) trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 27-2.
“Tôi lo ngại 10 năm nữa hoặc hơn, các ngư lôi, tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh có thể đẩy tình hình đi theo một hướng khác, rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn. Tôi không vấn đề gì khi nói tôi có thể bảo vệ quốc gia ngày hôm nay, và tôi nghĩ vị chỉ huy sau tôi có thể, nhưng tôi lo là lo ngại về các vị chỉ hủy sau, sau, và sau nữa”, ông Hyten chỉ ra.
Ông đặc biệt nhắc tới siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga, các tên lửa hành trình liên lục địa và tên lửa siêu thanh mới nhất.
“Tôi ủng hộ một Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới, nhưng anh phải có một đối tác muốn tham gia”, ông Hyten nhấn mạnh, thêm rằng ông muốn nhìn thấy START được gia hạn tới năm 2026 nhằm kiểm soát hệ thống vũ khí mới của Nga.
Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM). Ảnh: SPACE NEWS
Giải thích sự khác nhau về năng lực của tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh, ông Hyten cho hay các hệ thống cảm biến hiện tại của Mỹ có thể phát hiện và định vị tất cả tên lửa đang phóng, nhưng với một tên lửa siêu thanh thì sẽ khó khăn vì nó sẽ biến mất sau đó và “chúng ta sẽ không nhìn thấy nó”.
Siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon được Tổng thống Putin tiết lộ trong bài phát biểu thông điệp liên bang hồi tháng 3-2018. Theo nhà lãnh đạo Nga, siêu ngư lôi Poseidon có khả năng lặn rất sâu và tầm bắn xuyên lục địa với tốc độ nhanh hơn hầu hết tàu ngầm và ngư lôi hiện đại nhất hiện nay có thể đạt được.
Theo ông Putin, ngư lôi có thể được trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, cho phép nó phá hủy nhiều loại mục tiêu, bao gồm nhóm tàu sân bay, pháo đài và cơ sở hạ tầng ven biển.
START mới giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011 và hết hạn vào năm 2021, song có thể gia hạn thêm năm năm. Theo tinh thần của START mới, bảy năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia hiệp ước không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai, như: tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng. START mới cũng quy định các bên tham gia phải trao đổi thông tin về số lượng các phương tiện vận chuyển và đầu đạn đang sở hữu theo định kỳ 1 năm 2 lần.