Theo đài RT, tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân mới của Nga Burevestnik đã đi vào giai đoạn phát triển cuối cùng sau một số báo cáo về các vụ thử nghiệm thành công. Giới chức Nga cho biết tên lửa Burevestnik (Chim báo bão) sẽ có phạm vi hoạt động không giới hạn và đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ được biết đến hiện nay.
Một vụ thử nghiệm tên lửa của Nga. Ảnh: TASS
Truyền thông Nga ngày 15-2 đưa tin động cơ hạt nhân của tên lửa đã được thử nghiệm thành công. Giai đoạn thử nghiệm rất quan trọng này khẳng định rằng động cơ nói trên cho phép tên lửa bay “không giới hạn” ở phạm vi toàn cầu.
"Việc thử nghiệm động cơ hạt nhân, một giai đoạn quan trọng của dự án tên lửa hành trình Burevestnik, đã diễn ra thành công ở một cơ sở nghiên cứu hồi tháng 1. Động cơ bảo đảm được thông số như thiết kế, giúp tên lửa tấn công mọi mục tiêu trên thế giới", hãng tin TASS dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp tên lửa Nga ngày 15-2 tiết lộ.
Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận thông tin này. Một số video do nhóm phát triển tên lửa công bố trước đó cho thấy các kỹ sư trong trang phục màu trắng và đeo mặt nạ an toàn cẩn thận kiểm tra nguyên mẫu tên lửa Burevestnik tại một địa điểm bí mật.
Tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân mới Burevestnik là một trong số các vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến trong thông điệp liên bang hồi tháng 3-2018.
9M730 Burevestnik, theo định danh của NATO là SSC-X-9 Skyfall, được thiết kế như một tên lửa hành trình liên lục địa mang động cơ hạt nhân, có khả năng di chuyển với phạm vi không giới hạn. Tên lửa Burevestnik thậm chí có thể bay vòng quanh phạm vi toàn cầu trong nhiều ngày nếu cần.
Quân đội Nga cho hay khả năng vượt qua mọi khoảng cách của Burevestnik sẽ được kết hợp với một khả năng cơ động không giới hạn đáng kinh ngạc. Sự kết hợp này sẽ giúp tên lửa cực kỳ khó bị đánh chặn trong lúc xuyên thủng hệ thống phòng thủ đối phương.
Tên lửa Burevestnik sử dụng nguyên lý động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), trong đó quả đạn nén luồng không khí nhờ tốc độ rất cao trong khi bay, đốt nóng nó bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ bên trong và dùng luồng khí nóng này để tạo lực đẩy.
Trong quá trình bay, tên lửa liên tục đổi hướng nhằm vòng tránh các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không trên biển. Đây được coi là tính năng quan trọng, nhất là khi tên lửa có tầm bắn không giới hạn. Nó có thể bay vòng qua mọi tổ hợp phòng thủ và đánh trúng mục tiêu từ những hướng bất ngờ nhất.
Các kỹ sư Nga kiểm tra một nguyên mẫu tên lửa Burevestnik. Ảnh: RT
Nếu Burevestnik đi vào phục vụ hoàn toàn, Moscow sẽ có thể phóng tên lửa từ lục địa châu Á, lập trình để chúng bay qua Thái Bình Dương, vòng quanh Nam Mỹ và xâm nhập không phận Mỹ từ Vịnh Mexico, tạp chí Popular Mechanics viết.
Tuần trước, tờ The Diplomat cho hay tên lửa Burevestnik đã trải qua cuộc thử nghiệm “thành công một phần” vào ngày 29-1 tại một địa điểm ở phía Nam nước Nga. Báo cáo dẫn các nguồn tin chính phủ Mỹ nhấn mạnh rằng cho đến nay không quốc gia nào có thể triển khai một tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân do các thách thức kỹ thuật và độ an toàn.
Nếu được triển khai thành công, Burevestnik sẽ là chưa từng có tiền lệ. Theo RT, mục đích của Burevestnik được cho tương tự như tên lửa hành trình hải quân tầm xa Tomahawk của Mỹ, tuy nhiên Tomahawk có tầm bắn tối đa chỉ giới hạn ở mức 2.500km.
Dự án “chị em” với Burevestnik, tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon sẽ trải qua thử nghiệm dưới biển trong mùa hè này, một số nguồn thạo tin nói với truyền thông địa phương. Ngư lôi hạt nhân Poseido có thể di chuyển với tốc độ 200km/giờ và lặn sâu tới 1km.