Theo trang tin Newsweek, phát biểu trong cuộc họp với Bộ Quốc phòng và những người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng hôm 13-5, Tổng thống Putin ca ngợi những thành tựu gần đây của Nga trong tiềm lực quân sự, song cảnh báo “những thay đổi trong tình hình chính trị-quân sự trên thế giới vốn ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh toàn cầu và khu vực nên được xem xét”.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh cần chú ý đến quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô ký năm 1987. Hiệp ước cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh về vụ thử nghiệm tên lửa Kinzhal. Ảnh: BBC
Theo RT, ông chủ Điện Kremlin nhắc nhở rằng cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu vũ khí siêu thanh và đã thử nghiệm thành công loại vũ khí này hồi cuối năm ngoái. Ông Putin nhắc tới tổ hợp tên lửa Avangard mang đầu đạn hành trình siêu thanh có vận tốc gấp 27 lần âm thanh.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng hoàn toàn hiểu rằng sớm hay muộn các quốc gia hàng đầu thế giới sẽ phát triển những vũ khí này. Chúng ta phải có các phương tiện phòng thủ chống lại các hệ thống như vậy trước khi vũ khí siêu thanh được đưa vào phục vụ quân đội nước ngoài", ông Putin nói.
Trong một cuộc họp cấp cao về phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng việc tăng cường kiểm soát không phận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với quân đội.
Nga năm ngoái trình làng hệ thống radar Container tối tân. Radar mới này cho phép Nga kiểm soát hầu hết vùng trời Tây Âu và Trung Đông, đồng thời đẩy lùi các mối đe dọa tiềm tàng từ trên không và ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng radar này phải được phát triển hơn nữa.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa siêu thanh Avangard xuyên qua hệ thống phòng thủ tên lửa. Ảnh: RT
Tổng thống Putin chính thức tiết lộ kho vũ khí siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong bài phát biểu bài thông điệp liên bang hồi tháng 3-2018. Trong số các vũ khí siêu thanh ông Putin nhắc tới có tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal, tên lửa siêu thanh Avangard.
Một tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm có tên gọi 3M22 Tsirkon đã được ông Putin xác nhận trong bài phát biểu thông điệp liên bang hồi tháng 3-2019.
Tất cả vũ khí này đang trải qua quá trình thử nghiệm, trong đó tên lửa Kinzhal được cho đã được biên chế trong quân đội Nga cùng với một số tiêm kích đánh chặn Mikoyan MiG-31K và máy bay tấn công.
Báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) cuối năm 2018 thừa nhận Washington hiện không có biện pháp đối phó hay phòng thủ hiệu quả nào chống lại những vũ khí siêu thanh mới đang được Nga và Trung Quốc phát triển bởi vì chúng có thể xuyên thủng hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa, RT cho biết.
Báo cáo của GAO nhấn mạnh tới những thách thức cho an ninh nước Mỹ xuất phát từ vũ khí chống vệ tinh và máy bay chiến đấu tàng hình của Nga và Trung Quốc. Cụ thể, các vũ khí này của Nga và Trung Quốc có thể “bay nhanh hơn, bay xa hơn và mang theo vũ khí tiên tiến”.
Một vụ thử tên lửa siêu thanh Avangard tháng 12-2018. Ảnh: Newsweek
Báo cáo lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại này có thể “buộc máy bay Mỹ hoạt động ở khoảng cách xa và đưa các mục tiêu của Mỹ vào vòng nguy hiểm”.
Quân đội Mỹ cũng thừa nhận đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh có thể phóng từ các máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm nhằm giúp lấp khoảng trống đáng kể trong khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Chứng kiến năng lực siêu thanh vượt bậc của Nga, Lầu Năm Góc đã triển khai khoảng 12 chương trình nhằm đối phó vũ khí siêu thanh.
Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã giới thiệu dự án vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh mang tên Glide Breaker. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, thiết bị bay này sẽ hoạt động như một viên đạn, hạ gục tên lửa siêu thanh của đối phương bằng động năng của chính nó.
Cuối năm ngoái, Washington đơn phương tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước INF với cáo buộc Moscow đã phát triển tên lửa Novator 9M729 bị cấm trong thỏa thuận.