Nga cực lực lên án việc Mỹ gây sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ quanh chuyện Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Nga mô tả những đe dọa trừng phạt của Mỹ là “không thể chấp nhận được”.
“Chúng tôi xem những đe dọa này là không thể chấp nhận được, bởi vì nó thực sự là sức ép”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói tại Moscow hôm 12-12, theo kênh Press TV.
Bà Zakharova nói thêm: “Có những ví dụ về áp lực tương tự mà Washington tạo ra cho nhiều nước khác chứ không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, và không chỉ về S-400, không chỉ về những chủ đề liên quan tới Nga. Những năm gần đây, Washington đã sử dụng chính sách trừng phạt để thúc đẩy lợi ích của chính họ”.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại bán đảo Crimea, Biển Đen. Ảnh: TASS
“Chính sách gây sức ép là không thể chấp nhận được trong hệ thống phối hợp hiện tại của các mối quan hệ quốc tế” - đại diện Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra.
Tuyên bố của bà Zakharova đưa ra một ngày sau khi các nghị sĩ Mỹ ủng hộ đạo luật áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chuyện nước này mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga và mở chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria.
Với tỉ lệ 18 phiếu thuận/4 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua “Đạo luật Tăng cường An ninh quốc gia Mỹ và Ngăn sự hồi sinh của IS 2019”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án dự luật trừng phạt này, cho rằng đây là “biểu hiện mới nhất của sự thiếu tôn trọng các quyết định chủ quyền đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Bộ này nói rằng đạo luật không có chức năng gì ngoài làm tổn hại quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu Quốc hội Mỹ hành động theo lẽ thường.
Hôm 11-12, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho hay nước này sẽ không rút lại việc mua S-400 và hiện đang liên hệ với các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ, để tìm giải pháp cho vấn đề này.
“Chúng tôi nhiều lần tái khẳng định Mỹ là đối tác chiến lược của chúng tôi và chúng tôi hy vọng họ hành động phù hợp với tính thần của quan hệ đối tác chiến lược. Không có chuyện từ bỏ hệ thống này. Chúng tôi cần tập trung tìm ra một giải pháp cho sự tồn tại của hệ thống này” - ông Akar nói trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Anadolu.
Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục liên hệ với tất cả các bên liên quan để giải quyết những bất hòa nảy sinh sau việc mua S-400.
Bộ trưởng Akar nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất việc tiếp nhận hai khẩu đội S-400 từ Nga và đang trong quá trình lắp ráp.
Thổ Nhĩ Kỳ nói hệ thống S-400 được chuyển tới nước này hồi tháng 7 sẽ đi vào vận hành hoàn toàn vào tháng 4-2020. Ảnh: AFP
Ông tiết lộ thêm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn thành khóa huấn luyện vận hành S-400 mua từ Nga vào cuối tháng 12.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với mạng tin tức truyền hình tư nhân TGRT Haber hồi tháng 7 rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả nếu Mỹ áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400 với Nga.
Nhà Trắng hôm 17-7 cho hay Thổ Nhĩ Kỳ không còn có thể tham gia chương trình phát triển tiêm kích hiện đại F-35 sau khi khẩu đội S-400 đầu tiên đến Ankara.
Nhà Trắng cũng cho biết sẽ áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Quốc hội Mỹ thông qua CAATSA chống lại Nga hồi tháng 8-2017 với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Đạo luật áp trừng phạt vào những quốc gia và công ty ký hợp đồng mua vũ khí của Nga.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất thỏa thuận bàn giao hệ thống S-400 vào tháng 12-2017.
Tháng 4-2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nói rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý xúc tiến bàn giao S-400.
Một số thành viên NATO đã chỉ trích thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cho rằng hệ thống của Nga không tương thích với vũ khí của liên minh quân sự này. Ngoài ra, họ lập luận rằng hợp đồng S-400 có thể gây nguy hiểm cho việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích F-35 và có khả năng đưa tới các lệnh trừng phạt của Mỹ.
S-400 là hệ thống tên lửa hiện đại của Nga, được thiết kế nhằm phát hiện, theo dõi và phá hủy máy bay, máy bay không người lái và tên lửa cách 402 km. S-400 trước đó được bán cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Ankara đang cố gắng tăng cường hệ thống phòng không của mình sau khi Washington năm 2015 quyết định rút hệ thống đất đối không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria - động thái làm suy yếu phòng không Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi ký hợp đồng vũ khí với Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã rút lại hợp đồng mua hệ thống tương tự của Trung Quốc trị giá 3,4 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ hủy thỏa thuận do sức ép từ Mỹ.