“Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng bước đi này ở mọi phương diện đều là kết quả của tình hình xấu đi trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nga đã nhiều lần cảnh báo các hành động hủy hoại của Mỹ trong việc phá hủy toàn bộ cấu trúc an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược”, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ trong một tuyên bố hôm 28-3, theo hãng tin RT.
Vụ thử bắn hạ vệ tinh của Ấn Độ hôm 27-3. Ảnh: RT
Theo Bộ Ngoại giao Nga, “việc mở rộng một cách phiến diện và không giới hạn” các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, cũng như “Washington miễn cưỡng từ bỏ các kế hoạch triển khai vũ khí trong không gian” đã thúc đẩy các quốc gia khác phô trương sức mạnh trong các lĩnh vực tương tự.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao Nga thừa nhận các tuyên bố của Ấn Độ rằng vụ thử tên lửa chống vệ tinh hôm 27-3 không có mục đích gửi thông điệp tới bất kỳ quốc gia cụ thể nào và rằng New Delhi phản đối quân sự hóa không gian.
Về phần mình, Moscow kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh và áp dụng một biện pháp có tính ràng buộc về mặt pháp lý để giữ không gian không có vũ khí. Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 hiện tại cấm xây dựng cơ sở quân sự và vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo quanh Trái đất. Tuy nhiên, bản thân thỏa thuận này chứa đựng một số lỗ hổng nhất định, cụ thể là hiệp ước không cấm triển khai vũ khí thông thường trong không gian.
Một dự thảo chung giữa Nga và Trung Quốc về hiệp ước không gian mới được soạn cách đây vài năm là nền tảng tốt cho một giải pháp toàn diện để bảo đảm vũ trụ được hòa bình, Bộ Ngoại giao Nga nói thêm, đồng thời hối thúc Ấn Độ cùng tham gia các nỗ lực của Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27-3 tuyên bố nước này đã thử thành công tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) và bắn hạ mục tiêu đang hoạt động trên quỹ đạo cách mặt đất 300 km, trong một vụ thử tên lửa mang tên "nhiệm vụ Shakti".
Thủ tướng Modi cho biết quả đạn ASAT đã bắn trúng vệ tinh mục tiêu chỉ ba phút sau khi rời bệ phóng. "Nhiệm vụ Shakti là bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế và công nghệ cho Ấn Độ. Chương trình này có mục đích duy trì hòa bình và không nhằm gây chiến tranh", ông Modi nói thêm.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ không cho biết chi tiết về loại tên lửa được dùng trong thử nghiệm, khẳng định mọi khí tài được sử dụng đều do New Delhi tự phát triển.
Như vậy, với sự kiện này, Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới có khả năng diệt vệ tinh, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.