Ngân hàng Nhà nước lý giải cơn sốt bất động sản

Chiều 22-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều hành quý 1/2021. Một trong những vấn đề được báo giới quan tâm là chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan tới tín dụng bất động sản trong buổi làm việc với NHNN hôm 17-4.

Theo đó, về điều hành tín dụng Thủ tướng cho rằng, tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Về lâu dài Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Vụ trưởng Vụ tín dụng Nguyễn Tuấn Anh cho hay: tại hội nghị phổ biến Thông tư 03/2021 về hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi COVID-19, thì vấn đề tín dụng đầu tư, tín dụng tiềm ẩn rủi ro… đã được làm rõ. Sau đó, NHNN đã làm việc riêng với Thủ tướng, báo cáo về lĩnh vực bất động sản và chứng khoán,

“Thủ tướng đã có kết luận, giao NHNN phân tích chi tiết về tín dụng vào chứng khoán. Ngày mai (23-4) NHNN sẽ gửi Chính phủ báo cáo về số liệu dòng tiền vào lĩnh vực này”, ông Tuấn Anh cho hay. Mặt khác do tác động của COVID-19 nên dòng tiền cũng chuyển hoá đầu tư.

Tín dụng chứng khoán quý 1/2021 ước vào khoảng 45.300 tỷ, chiếm 0,5% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. “Như vậy là không quá cao”, ông Tuấn Anh nói .

Với lĩnh vực bất động sản, thì năm 2020 lĩnh vực này chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức 11,89%, thấp hơn các năm trước đó. 3 tháng đầu năm 2021, tín dụng bất động sản ước tính tăng khoảng 3%, thấp hơn quý 1 các năm trước đó.

“Như vậy, có thể khẳng định tín dụng bất động sản không tăng đột biến. Tăng trưởng nóng của bất động sản thời gian qua là xuất phát từ việc các nhà đầu tư có hiện tượng “lướt sóng” do các địa phương ban hành bảng giá tăng từ 15 đến 20%. Mặt khác, thị trường chứng khoán tăng, tiền chốt lời thì các nhà đầu tư chuyển vào bất động sản”, ông Tuấn Anh phân tích.

Cuối cùng, ông Tuấn Anh cho hay: bất động sản, chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro nên thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Còn hiện tại, NHNN đã ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 40%. Đối với khoản vay từ 4 tỷ đồng trở lên thì sẽ áp dụng hệ số rủi ro là 150% nhằm hạn chế tín dụng đi vào các lĩnh vực rủi ro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm