Trong bất kể hoàn cảnh nào cũng không thể để thiếu điện. EVN hãy làm việc quyết liệt với tinh thần cách mạng, tiến công cao nhất, đưa ra các giải pháp để có nguồn lưới điện tốt nhất.
Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị tổng kết năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 25-12.
Việt Nam sẽ tăng nhập điện từ Lào
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết năm 2019, tình hình khô hạn xảy ra ở hầu hết các khu vực, nước về các hồ chứa ở mức rất thấp. Đặc biệt nước về các hồ thủy điện lưu vực sông Đà thấp nhất trong 30 năm trở lại đây.
Theo ông Nhân, sản lượng thủy điện năm 2019 giảm 16,3 tỉ kWh so với năm 2018 và thấp hơn 7 tỉ kWh so với kế hoạch. Đồng thời tổng lượng nước tích trong các hồ thủy điện đến cuối năm 2019 hụt trên 11 tỉ m3 so với đầy hồ, tương ứng sản lượng điện thiếu hụt 4,5 tỉ kWh.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn khí Đông Nam bộ đã suy giảm mạnh, sản lượng khí cấp đầu năm là 20 triệu m3/ngày, đến cuối năm giảm còn 16,5 triệu m3/ngày. Nguồn than sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu cho điện nên phải nhập khẩu than để bổ sung. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng than, đồng thời làm tăng chi phí mua than. Trong khi nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Indonesia, có nhiều yếu tố rủi ro về chính sách, thời tiết,…
Ngoài ra, các dự án điện chậm tiến độ cũng đã ảnh hưởng đến nguồn điện. Ông Nhân dẫn chứng hiện nay tiến độ phát điện thương mại nhiệt điện Duyên Hải 3 (Trà Vinh) tiếp tục chậm tiến độ sang quý I-2020. Các dự án thủy điện Thượng Kon Tum, Đa Nhim mở rộng cũng không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2019. Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I (Quảng Bình) chưa thể khởi công được trong năm 2019 do khó khăn, vướng mắc về công tác bền bù giải phóng mặt bằng,…
Dự án điện chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng điện. Ảnh: EVN
Về kế hoạch cung ứng điện năm 2020, ông Nhân cho hay trên cơ sở tính toán, EVN nhận định hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn cấp điện nên tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung ứng điện.
Bên cạnh đó, EVN dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn và đảm bảo cân đối tài chính của EVN.
Đặc biệt, năm 2020, EVN dự kiến Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào để ứng phó với thiếu điện. Năm 2020, dự kiến sản lượng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện. Lãnh đạo Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0) cho biết sẽ tăng nhập khẩu trong giai đoạn tới từ Lào lên 1.770 MW.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0), từ năm 2020, Việt Nam sẽ phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Trong đó, nhiệt điện than dự kiến chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện. Trong khi đó, có thể sẽ phải huy động 3,4-6 tỉ kWh điện chạy dầu. “Chi phí phát điện chạy dầu vào khoảng 3.500-5.000 đồng/kWh. Do đó, EVN lo ngại sẽ mất cân đối về tài chính” - lãnh đạo A0 cảnh báo. |
Không để thiếu điện là mệnh lệnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong việc cung ứng điện cho nền kinh tế. Việt Nam đã vượt qua một năm đầy thách thức để hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Để có được kết quả này, Thủ tướng cho rằng có sự đóng góp trực tiếp của ngành điện, của EVN. “Chúng ta không có điện thì không thể làm gì, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng dẫn ra những khó khăn của ngành điện trong những năm tới. Trong đó đáng chú ý là nhu cầu điện của Việt Nam tăng rất cao. Việt Nam là một trong những nước có sản lượng điện cao, đứng thứ nhì ASEAN, chỉ sau Indonesia, cho thấy công nghiệp dịch vụ tiêu dùng của người dân tăng cao.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ lo ngại tình trạng khô hạn xảy ra ở nhiều lưu vực sông, lượng nước về hồ thủy điện ở mức thấp so với kế hoạch. Trong khi đó, công tác điều hành cung cấp nhiên liệu than, khí cho điện gặp trục trặc. Nhiều dự án nguồn điện ngoài EVN chậm tiến độ khiến việc đảm bảo đủ điện gặp nhiều thách thức.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh EVN cần phải thể hiện vai trò chủ đạo, nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện, vận hành an toàn hệ thống. Đồng thời ứng phó với tình hình khô hạn, nắng nóng khi nhu cầu điện tăng cao, có phương án điều phối hệ thống tốt.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Không để thiếu điện cho phát triển đất nước là mệnh lệnh và không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Hàng trăm ngàn người của EVN hãy làm việc quyết liệt với tinh thần cách mạng, tiến công cao nhất, đưa giải pháp cao nhất, để có nguồn lưới điện tốt cho phát triển đất nước” - Thủ tướng truyền thông điệp.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp EVN, PVN, TKV điều hành tốt việc cung ứng than, khí cho sản xuất điện. Các bộ, ngành tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các dự án điện trọng điểm, cấp bách đang chậm tiến độ.
Theo EVN, tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỉ đồng, tăng 16,4%. Lợi nhuận công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỉ đồng, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Giá trị nộp ngân sách năm 2019 của EVN là 27.200 tỉ đồng, tăng 2.089 tỉ đồng so với 2018. Các đơn vị đã tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh được 1.524 tỉ đồng. Giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu khoảng 13.266 tỉ đồng, tương ứng tiết kiệm 16,4%. Tổn thất điện năng năm 2019 toàn tập đoàn ước đạt 6,5%, thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước một năm so với lộ trình của kế hoạch năm năm được Thủ tướng Chính phủ giao. |