Ngày 30-4-1975 trong mắt Tướng Nguyễn Hữu Có - Bài 1: Một quê hương, một gia đình

Hồi ức dưới đây được ghi chép từ nhiều cuộc trò chuyện giữa ông Nguyễn Hữu Có với phóng viên Đức Hiển, Báo Pháp Luật TP.HCM trong quãng thời gian từ 2000 đến 2005. Có thể do tuổi tác và thời gian quá lâu, một số chi tiết có thể có sai số. Tuy nhiên điều mà PLO muốn nói đến là cái nhìn của một người trong cuộc, từng ở phía bên kia trong thời khắc cuối cùng của cuộc chiến.

Tướng Nguyễn Hữu Có. Ảnh: TL

"Sau 11 giờ trưa 30-4-1975, tôi không còn chuyện gì để làm nữa. Rời Dinh Độc Lập, tôi về nhà. Sau gần 40 năm từ một thiếu sinh quân Đông Dương, tôi đã lên đến nấc thang cao nhất của đời binh nghiệp. Và bây giờ, nó đã ở sau lưng, nói được thì cũng đã từng được, nói mất thì cũng mất hết rồi. Chỉ hai điều quý nhất còn nguyên: Một quê hương và một gia đình! Tôi thả lỏng người, nhắc mình: tất cả đều đã qua"

Tướng Nguyễn Hữu Có. Ảnh: TL 

Chiều 28-4-2005, tôi gọi cho ông hỏi chú đang ở đâu con chạy tới. Ông hỏi có chuyện gì, tôi nói không chuyện gì, chỉ muốn uống trà nghe chú review lại cảm xúc của ngày này ba mươi năm trước.

Ông nói ừ chạy qua đi, chú đang sắp hành lý qua Mỹ thăm mấy đứa nhỏ. Ông đợi tôi ở nhà riêng ở Nguyễn Đình Chính, Phú Nhuận (TP.HCM).

Nhiều lần trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Có, tôi nhìn thấy ở ông sự an phận và buông trôi, không có vẻ gì của một chiến tướng , một Bộ trưởng Quốc phòng VNCH ở những năm chiến tranh căng thẳng nhất.

Rời chính trường từ 1967, ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ông lại đeo lên vai áo mình quân hàm Trung tướng, trợ lý quân sự cho Dương Văn Minh. Làm trung tướng một ngày hôm đó đủ để chứng kiến cỗ máy chiến tranh và cả chế độ sụp đổ.Ông kể:

"Gần cuối tháng 4-1975, thấy tình hình không êm, Tổng thống Thiệu từ chức, giao quyền lại cho Phó Tổng thống Vũ Văn Huyền, ông Huyền trao lại cho ông Hương rồi sau đó là Đại tướng Dương văn Minh.

Tôi lúc bấy giờ không còn vai trò gì trong quân đội. Từ chỗ là Tổng trưởng Quốc phòng, Thiệu cử tôi đi Đài Loan cám ơn Chính phủ nước này rồi sau đó buộc tôi lưu vong ở Hồng Kong ba năm trời. Thời gian đó, biết không thể quay lại chính trường, tôi đi học nghề ngân hàng. Hết thời hạn lưu vong tôi về nước và được Nguyễn Tấn Đời mời làm cho Tín Nghĩa ngân hàng.

Tín Nghĩa là một nhà băng lớn và Nguyễn Tấn Đời có quan hệ với nhiều ông lớn, một trong số đó là ông Dương Văn Minh. Sáng nào hai ông này cũng tennis với nhau. Cả Sai Gòn ai cũng biết. Ông Thiệu dĩ nhiên cũng biết và đặc biệt khó chịu về điều đó. Thế rồi tai vạ ập đến. Thiệu nghe tay chân thân tín mách lại: ông Nguyễn Tấn Đời hứa với ông Dương Văn Minh hễ Big Minh ra tranh cử tổng thống thì ông Đời sẽ hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính.

Và ông Thiệu quyết định ra tay trước để ngăn ngừa hậu họa.

Nguyễn Tấn Đời nói với tôi: căng rồi, ông Thiệu đã lệnh cho Ngân hàng Nhà nước thanh tra quy mô Tín Nghĩa Ngân hàng.

Chứng cứ tới đâu thì không biết,nhưng tháng 3-1975, chủ nhà băng Nguyễn Tấn Đời bị cảnh sát bắt tống vào Chí Hòa cho tới ngày giải phóng. Còn tôi, sau sự cố ấy cũng rời ngân hàng ra ngoài kinh doanh để nuôi hơn chục đứa con. Lúc này, thi thoảng tôi vẫn gọi cho anh em quen như Đề đốc Hải quân Chung Tấn Cang, tướng Lý Tòng Bá. Việt cộng đánh rộ khắp nơi. Cũng đã có vài thông tin, vài bàn tay chìa ra cho chế độ ông Thiệu nhưng chỉ là lời thăm dò, không có gì chắc chắn cả. Cờ đã tàn…”.

(Còn tiếp)

 NGUYỄN ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm