Người coi tù tướng tá Việt Nam Cộng hòa

Thiếu tướng Đỗ Năm, nguyên Cục trưởng Cục quản lý trại giam V.26  
(Bộ Công An) 

Sau 1975, ông được phân về trại giam số 5 (Thanh Hóa). Nơi có gần 500 sĩ quan chế độ cũ đang học tập cải tạo, cấp bậc thấp nhất là đại úy.

Lúc ấy trong trại vừa xảy ra chuyện một số người quá khích lôi kéo trại viên la hét, đưa yêu sách, không chịu lao động. Trong trại, có ý kiến áp dụng kỷ luật với những trại viên này. Ông bảo: cứ từ từ. Đỗ Năm triệu tập một cuộc gặp mặt. Khi ông bước vào, có người đứng dậy chào, có người ngồi, ồn như cái chợ. Ông bảo tất cả ngồi xuống: “Các anh đều là sĩ quan quân đội. Dù thể chế chính trị khác nhau, nhưng quân đội nào cũng có lễ tiết tác phong. Anh nào chức vụ cao nhất nhóm đứng ra ổn định trật tự, xem các anh nắm điều lệnh thế nào”.

Một người bước ra: “Báo cáo, tôi Văn Văn Của, nguyên đại tá Đô trưởng Sài Gòn trình diện đại úy!”. Rồi ông ta quay sang các trại viên: “Các chiến hữu chú ý. Nghiêm!”.

Đỗ Năm nhắc: Nắm điều lệnh thế được rồi, nhưng anh phải làm lại, không xưng cấp bậc, chỉ xưng là đại diện trại viên. Và anh cũng gọi họ là trại viên chứ không được gọi là chiến hữu.

Suốt buổi, ông đối thoại về những yêu sách. Đa số trại viên là trí thức, lý lẽ ghê lắm. Họ nói đã là tù thì không phải lao động, chỉ lao động tự phục vụ thôi. Ông giải thích: “Đất nước còn khó khăn, chế độ nhà nước cấp còn thiếu thốn. Việc các anh trồng trọt chăn nuôi không phải để sản xuất hàng hóa lưu thông trên thị trường, mà để phục vụ lại cho đời sống của trại. Như vậy là lao động tự phục vụ. Sĩ quan như chúng tôi còn phải lao động tăng gia, tại sao các anh không làm?”.

Họ nghe và không cãi được, nhưng thắc mắc sao lần trước cũng đưa yêu sách như thế mà không được giải thích như lần này? Ông bẻ lại: “Từng là sĩ quan cao cấp, các anh phải có kỷ luật. Mỗi đội đều có thư ký nhưng các anh không đưa yêu cầu để họ trình lên giám thị mà lại hò hét để gây sức ép thì không thể chấp nhận”.

Được khơi dậy tính tự tôn và cũng thấy đuối lý, từ đó việc la hét phản đối để gây yêu sách chấm dứt.

Tiêu chuẩn ăn của cán bộ quản giáo và trại viên như nhau. Có hôm gần tết, trại tổ chức làm thịt lợn, ông xuống kiểm tra bếp ăn của trại viên và thấy họ chỉ dám chọn những con gầy. Ông giận lắm, bảo quản giáo: “Chọn lợn béo cho các phân trại, còn cán bộ ăn sao cũng được”.

Ông nghĩ: Cái quý nhất của con người là tự do, người tù bao giờ cũng có những ức chế, xử sự không khéo sẽ khiến tâm trạng thêm nặng nề. Nếu không gieo vào họ niềm tin thì dù có giam giữ bao lâu cũng không thể cải tạo. Khi quản lý tù hình sự, ông thường nhắc quản giáo: Không nên xem nặng mỗi năm trại sản xuất bao nhiêu tấn rau, bao nhiêu tấn thịt cá, mà quan trọng nhất là chúng ta trả về cho xã hội những con người như thế nào.

Trại nằm nơi rừng xanh núi đỏ, cán bộ còn buồn, huống là trại viên. Ông cho trích tiền trại viên tăng gia được để trang bị trống, đàn. Họ thích lắm nhưng lo: bài hát cách mạng thì chúng tôi không thuộc, còn những bài nhạc lính cộng hòa thường hát thì không được phép. Ông bảo: vậy thì hát tình ca của nước ngoài. Cấp dưới gặp ông: Thưa thủ trưởng, trại viên toàn hát bài tư sản. Ông cười: Đấy là những bài ca ngợi tình yêu trong sáng. Tình yêu thì không có giai cấp.

Tiêu chuẩn thăm gặp rất khắt khe, chỉ được một vài tiếng trước sự giám sát của cán bộ. Ông nói điều đó cần thay đổi. Những người có vợ đến thăm được nghỉ lao động để ở cùng vợ từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau tại nhà khách của vợ. Sau một lần được vợ đến thăm như thế, Đại tá Văn Văn Của đến gặp ông để cám ơn. Ông hỏi: Anh Của này, anh là một Tiến sĩ Y khoa trước khi là đại tá Đô trưởng? - Dạ! Anh có rành về Đông y không? -Dạ tôi có biết!. Ông nói: Có thể giữa chúng ta còn nhiều khoảng cách, nhưng trong nghề y thì y đức trên hết. Không chỉ trại viên mà cán bộ trại đau ốm cũng cần có anh. Ngài đại tá Đô trưởng được chuyển từ đội sản xuất về trạm xá ngay hôm đó. Văn Văn Của rất xúc động, ông chế nhiều bài thuốc từ cỏ cây trên núi và chữa lành bệnh cho rất nhiều trại viên, cán bộ, và sự mặc cảm cũng vơi dần…

40 năm làm quản giáo, ông nói rằng người tù bị mất tự do, bị cách biệt với xã hội. Họ nhìn thế giới bên ngoài qua hình ảnh người quản giáo. Sự hà khắc thô bạo sẽ làm họ mặc cảm bị cả xã hội quay lưng. Phải tạo cho họ niềm tin. Niềm tin của người quản giáo là đại diện cho niềm tin của xã hội về họ.

Mỗi khi cười, ông Đỗ Năm lại phô cả cái răng cửa bị gãy một nửa, dấu vết của lần nghịch xe Jeep khi tài xế đưa ông đi kiểm tra trại viên lao động. Sau lần đó ông kỷ luật lái xe vì vi phạm nguyên tắc, cho người không biết lái xe ôm vô lăng, và ông… tự nhận mức kỷ luật cao hơn. Ông nói: Tớ rất nghịch, ngày bé mà có trường giáo dưỡng trẻ em hư thì người ta đưa tớ vào.

NGUYỄN ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm