Đó là những chia sẻ đầy ngậm ngùi của một giáo viên mầm mon tư thục khi được chủ trường thông báo sẽ cắt giảm 1/3 nhân sự vì tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Trong đó, nhiều giáo viên và phụ huynh rơi vào tình cảnh trớ trêu khi không ít người bị thất nghiệp do học sinh nghỉ học vì dịch bệnh.
Các giáo viên thường xuyên làm vệ sinh trường lớp để đón học sinh khi có quyết định cho đi học lại. Ảnh: LÊ ÁNH
Thất nghiệp, giáo viên bật khóc
Trường Mầm non tư thục Đô rê mi (Dĩ An, Bình Dương), có tổng số 42 giáo viên, nhân viên. Mới đây, chủ trường là cô Lê Thị Bé Tuyết đã phải ngậm ngùi quyết định cho nghỉ việc 1/3 giáo viên của trường.
“Để đi đến quyết định này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Có đêm tôi thức trắng trằn trọc suy nghĩ, đắn đo mãi để đưa ra quyết định vẹn toàn nhất. Ai sẽ ở lại, ai sẽ phải ra đi, đó là cả một quyết định khó khăn. Ở thời khắc đó, tôi không muốn ai phải ra đi cả. Nhưng có lẽ đây là cách tốt nhất, giúp các cô có cơ hội tìm việc sớm để có đủ kinh tế trang trải cuộc sống gia đình” - cô Lê Thị Bé Tuyết xót xa nói.
Các giáo viên của Trường Mầm non Đô rê mi mong dịch bệnh chóng qua để quay về trường làm việc. (Nhà trường cung cấp)
Cô Tuyết chia sẻ thêm: "Ở một trường tư thục như chúng tôi, nếu không có học sinh đi học thì nhà trường cũng không có kinh phí để hoạt động. Nguồn quỹ dự phòng chỉ có giới hạn, chỉ đủ gồng gánh trong vài tháng. Nếu giữ các cô lại mà không có tiền trả cho các cô thì câu chuyện còn buồn hơn".
“Khi nhận được thông báo, ai cũng bàng hoàng rồi ôm nhau bật khóc. Chúng tôi khóc không chỉ vì ai là người được ở lại, ai là người phải ra đi. Chúng tôi Khóc còn vì thương cô Tuyết, khóc vì sự khắc nghiệt của dịch bệnh đang diễn ra” - cô Phan Thị Thanh Mai - giáo viên Trường Đô rê mi, chia sẻ.
Cô Trịnh Thị Mai - giáo viên cùng trường, tâm sự: “Thật sự khi chọn nghề, tôi không hề nghĩ nghề giáo viên lại rơi vào tình cảnh này. Trong việc cắt giảm nhân sự ở trường, tôi là người được giữ lại nhưng tôi lại không hề cảm thấy vui. Không đi dạy nhưng vẫn được nhận lương, chúng tôi áy náy lắm chứ. Tôi và các đồng nghiệp hiểu được cô Tuyết phải khó khăn như thế nào khi đưa ra quyết định này”.
“Nếu tình hình dịch còn kéo dài, tôi cũng sẽ tự mình rời đi để giảm bớt gánh nặng cho trường, tìm một công việc khác tạm thời để nuôi sống bản thân. Khi nào trường hoạt động lại thì tôi xin quay về trường tiếp tục làm nghề mình thích” - cô Mai chia sẻ thêm.
Còn đối với cô Nguyễn Thị Thanh Vân - một trong những người bị cắt giảm nhân sự, cho biết chị hiểu được chủ trường khó khăn thế nào khi nhà trường quyết định như thế. Ở hoàn cảnh khó khăn này, chính chị và những cô giáo cũng sẵn sàng không nhận lương để chung tay cùng với nhà trường vượt qua khó khăn.
“Hiện tại, tôi ở nhà bán hàng online hoặc kiếm vài việc lặt vặt để làm kiếm thêm thu nhập. Chờ tình hình dịch bệnh ổn định, các bé được đi học trở lại thì tôi lại xin về trường làm” - cô Vân chia sẻ.
Chạy đôn chạy đáo tìm người trông con
Trong khi các giáo viên bị thất nghiệp khi các em học sinh nghỉ học, các phụ huynh cũng trong cảnh nan giải vì con nghỉ học ở nhà.
Nhiều gia đình đi làm ăn xa, nhà neo người không có ai phụ giúp để trông con để đi làm. Có rất nhiều phụ huynh, đặc biệt những công nhân đã rơi vào tình cảnh ngặt nghèo khi con họ phải nghỉ học.
Nhiều phụ huynh không thể nghỉ làm để trông con, nên phải gửi nhờ nhà người thân hoặc thuê người trông trẻ. Ảnh: KD
Anh Nguyễn Tấn Kha (công nhân) cho biết để tìm được một công việc ổn định và có mức lương khá là rất khó khăn. Nhưng con nghỉ học thì vợ chồng phải thay nhau ở nhà trông con. Cứ kéo dài thế này thì có lẽ một trong hai vợ chồng phải tạm thời nghỉ việc.
Còn chị Lê Thu Hoài (nhân viên văn phòng) cho biết tuần đầu tiên con nghỉ học thì chị xin nghỉ phép, tuần thứ hai con tiếp tục nghỉ học thì chồng chị xin nghỉ phép. Hết phép, vợ chồng chị năn nỉ bà nội xuống Bình Dương trông giúp. Đây cũng chỉ là các biện pháp tạm thời, chứ kéo dài thì không biết sẽ ra sao.
Cũng giống như nhiều trường hợp khác, chị Lưu Ngọc Hòa (công nhân) cũng khó khăn không kém. Hai bên ông bà sức khỏe đã yếu không thể giúp gì được. Thế là chị Hòa quyết định tạm thời nghỉ việc ở công ty may để ở nhà trông hai con nhỏ. Khi nào các con đi học trở lại chị sẽ tìm công việc khác.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh không thể nghỉ làm để trông con. Họ lại tìm cách gửi con tạm thời ở một số nhà người thân có người trông coi. Hoặc vài gia đình hùn tiền thuê một người về nhà giữ trẻ. Một số nơi cũng nhận trông trẻ nhưng tất cả chỉ là giải pháp tạm thời.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn mọi mặt của xã hội. Ai cũng mong dịch bệnh sớm qua. Đặc biệt là các giáo viên và phụ huynh, họ từng ngày mong dịch chóng qua để cuộc sống và công việc trở lại như trước kia.