TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa hoãn xử phúc thẩm lần hai vụ Mai Thị Tuyết Linh bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì nghi lọt đồng phạm. Theo đó, tại tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị hoãn xử sau khi người bị hại đưa ra nhiều chứng cứ mới cho thấy vụ án có đồng phạm.
Người liên quan hay chủ mưu?
Theo hồ sơ, Linh làm nghề buôn bán hải sản. Năm 2012, do thiếu nợ bà Trần Thị Dung (được xác định là người liên quan) hơn 2 tỉ đồng nên bị cáo cắt đứt liên lạc. Sau khi liên lạc lại được thì bà Dung bày cho bị cáo lừa ông Nguyễn Văn Sinh (53 tuổi, ngụ Kiên Giang) lấy tiền trả nợ cho mình. Cụ thể, bà Dung biết ông Sinh có hàng ruốc khô đang gửi ở kho lạnh cần bán nên giới thiệu ông Sinh cho Linh với tên gọi là Trang.
Sau đó, ông Sinh và Linh đã mua bán theo phương thức Linh lấy hàng trước, chuyển tiền vào tài khoản sau. Từ tháng 12-2012 đến tháng 1-2013, ông Sinh đã bán cho Linh hơn 7 tỉ đồng ruốc khô nhưng bị cáo mới chỉ trả gần 2,5 tỉ đồng. Hơn 4,7 tỉ đồng còn lại, do không có tiền trả nên Linh khóa máy điện thoại và bỏ trốn.
Năm 2015, xử sơ thẩm lần đầu, TAND tỉnh Kiên Giang phạt Linh 15 năm tù. Riêng đối với bà Dung, cơ quan tố tụng cho rằng ngoài lời khai của Linh thì không còn chứng cứ nào khác thể hiện vai trò chủ mưu nên đã tách vụ án, sẽ tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ, khi đầy đủ sẽ xử lý sau.
Năm 2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy án. Lý do, Linh thực hiện hành vi lừa đảo tại TP.HCM nên thẩm quyền giải quyết vụ án là cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM. Ngoài ra, cần điều tra, xác định lại đúng vai trò của bà Dung. Vì lời khai của Linh về việc bà Dung lên kế hoạch cho bị cáo lừa ông Sinh thể hiện từ việc dùng tên giả, số điện thoại để làm ăn… là phù hợp với diễn biến sự việc. Mặt khác, thực tế sau khi Linh chiếm đoạt tiền của ông Sinh thì đã chuyển khoản trả nợ cho bà Dung 1 tỉ đồng, mua hai điện thoại trị giá 36 triệu đồng tặng bà Dung.
Bị cáo Linh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: PD
Trong quá trình Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra lại, Linh đã thay đổi một phần lời khai rằng chỉ mình bị cáo là người lừa ông Sinh. Ban đầu bị cáo khai bà Dung lên kế hoạch lừa là khai theo hướng dẫn của điều tra viên. Bà Dung chỉ cho Linh số điện thoại của ông Sinh, còn lại là do Linh tự đạo diễn và thực hiện. Trong khi bà Dung cũng khai chỉ cho bị cáo số điện thoại của ông Sinh, còn lại không biết gì về việc làm ăn giữa hai bên. Số tiền 1 tỉ đồng Linh trả nợ cho bà lấy từ việc chiếm đoạt của ông Sinh, bà Dung cam kết sẽ nộp lại.
Theo kết luận điều tra lại vào năm 2017, CQĐT cho biết đã có văn bản gửi MobiFone, VNPT VinaPhone, Viettel và VNPT-Net đề nghị cung cấp thông tin về các cuộc gọi đi/đến, tin nhắn các thuê bao số điện thoại mà Linh sử dụng liên hệ với ông Sinh, bà Dung. sau nhiều lần liên hệ, các đơn vị nêu trên vẫn chưa cung cấp. Theo CQĐT, ngoài lời khai của ông Sinh thì không thu thập được chứng cứ, tài liệu nào chứng minh bà Dung là chủ mưu, lên kế hoạch cho Linh lừa đảo nên không có căn cứ xử lý.
Hoãn xử để đánh giá chứng cứ mới
Tháng 2-2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt Linh 15 năm tù. Về vai trò của bà Dung, HĐXX nhận định không có căn cứ xác định là đồng phạm mà chỉ buộc bà phải nộp lại 1 tỉ đồng để trả lại cho ông Sinh.
Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm lần hai, ông Sinh đã cung cấp cho HĐXX bốn chứng cứ mới, trong đó có file ghi âm thể hiện cuộc nói chuyện của ông Sinh và một điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang.
Tại tòa, ông Sinh cho rằng qua cuộc nói chuyện với ông, điều tra viên cho hay có thu thập được chứng cứ về tin nhắn và cuộc gọi giữa Linh và bà Dung về việc hai người này bàn bạc cách đối phó với công an khi bị mời đến làm việc. Từ đó, ông Sinh đề nghị làm rõ vai trò của bà Dung trong vụ án này. Trả lời câu hỏi của đại diện VKS, ông Sinh cho biết cuộc nói chuyện này được ông ghi âm lại trước phiên tòa xử sơ thẩm lần hai (tháng 2-2018). vì không tin tưởng cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM nên ông đã không nộp chứng cứ mà chờ đến phiên tòa phúc thẩm.
Cũng theo ông Sinh, các chứng cứ mới ông cung cấp thể hiện từ ngày 6-2-2013 (khi Linh tắt máy và không trả tiền hàng), ông đã báo cho bà Dung biết và nhờ bà Dung đi tìm Linh. Theo những tài liệu ông tự thu thập thì trong thời gian bỏ trốn, Linh và bà Dung vẫn liên lạc, chuyển tiền vào tài khoản cho nhau...
Theo đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM, vì ông Sinh cung cấp chứng cứ mới và để vụ án được xem xét toàn diện, khách quan nên cần hoãn phiên tòa để VKS và tòa án nghiên cứu, đánh giá các chứng cứ liên quan. Đề nghị này được HĐXX chấp nhận.
Mất hết dữ liệu viễn thông? Tại tòa phúc thẩm, ông Sinh cho rằng CQĐT chưa làm hết trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ. Theo đó, việc trả lời rằng các đơn vị viễn thông không cung cấp thông tin về cuộc gọi, tin nhắn của bị cáo với ông và bà Dung nên không làm rõ được vai trò của bà Dung là không ổn. Khi VKSND TP.HCM trả hồ sơ, đề nghị CQĐT tiếp tục yêu cầu các đơn vị viễn thông trả lời thì kết luận điều tra bổ sung chỉ ghi ngắn gọn: “Các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trả lời, do thời gian quá lâu nên không còn lưu trữ các dữ liệu để cung cấp theo yêu cầu của CQĐT”. Theo ông Sinh, từ năm 2012 đến nay thì không có gì là quá lâu và nếu đúng là mất hết các dữ liệu viễn thông thì ai chịu trách nhiệm? |