Nghịch lý người thu nhập thấp phải trả lãi suất cao

(PLO)-  Không có người đi vay nào muốn mình trở thành “con nợ” khó đòi, nhưng điều kiện vay tại các tổ chức tín dụng quá chặt chẽ khiến người lao động buộc phải chạy đến tín dụng đen.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, báo Người Lao Động tổ chức toạ đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật". Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn thành phố hiện đạt 933.344 tỉ đồng. Trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là 103.587 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 11,1% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn.

Lãi suất cao

Nói về nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân tại các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX), bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) cho biết: Hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có 17 KCX-KCN với gần 300.000 công nhân.

Trong đó phần lớn là dân nhập cư, với trên 70% phải thuê phòng trọ. Sau 2 năm dịch COVID-19, kinh tế cả nước bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng. Từ đó dẫn đến việc thu hẹp sản xuất, hoặc cắt giảm lương, thưởng. Điều này càng khiến điều kiện sống của người lao động càng khó hơn.

"Đặc thù công nhân lương 5,5-15 triệu/tháng nhưng phải trả tiền nhà trọ, trả tiền học, nhà trẻ cho con... Do đó, công nhân rất cần các khoản để trang trải cuộc sống", bà Vân nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Trong bối cảnh nhiều người mất việc, cần tiền phải đi vay để tiêu dùng, mua sắm và để trang trải cuộc sống. Vấn đề đặt ra lãi suất cho vay tiêu dùng của cả ngân hàng thương mại lẫn các công ty tài chính hay cho vay qua các app không chính thức đều rất cao.

"Hiện nay, chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề lãi suất. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí cộng lại rất cao. Một thực tế hiện nay là tín dụng "đen" đang hoành hành. Điều kiện vay tiêu dùng của ngân hàng vẫn rất khó khăn, nên người dân phải tìm kiếm nguồn vay từ tín dụng "đen". Nhiều trường hợp vướng vào tín dụng đen không thoát ra được”, ông Hiếu nói.

Từ góc độ ngân hàng thương mại, bà Văn Thái Bảo Nhi - Giám đốc cấp cao, phụ trách xử lý nợ tại Eximbank chia sẻ: Sau 2 năm COVID-19, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều gặp khó khăn, thậm chí những người có tài sản cho thuê cũng gặp khó khăn phải xoay sở dòng tiền… Điều này khiến nợ quá hạn, nợ xấu có xu hướng tăng. Bà Nhi nhận định, đây là thực tế mà các công ty tài chính, ngân hàng thương mại đang phải đối diện.

Cũng theo bà Nhi, trong giai đoạn COVID-19, Eximbank đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đánh giá một số khách hàng có nguồn thu khó khả năng phục hồi nên khuyến khích khách hàng bán bớt tài sản, trả bớt nợ.

"Đối với một số khách hàng không có khả năng trả nợ, chúng tôi buộc phải có biện pháp mạnh hơn như khởi kiện ra tòa. Dù vậy, quan điểm của chúng tôi là thu hồi nợ đúng quy định pháp luật, làm tự thân và không thuê dịch vụ thu hồi nợ từ bên thứ 3 để xử lý. Ngân hàng mong muốn trong bất kỳ khó khăn nào, vẫn muốn đồng hành cùng khách hàng", bà Nhi cho hay.

Người vay cần đọc kỹ thông tin về lãi suất, phí, phí phạt trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng
Người vay cần đọc kỹ thông tin về lãi suất, phí, phí phạt trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng

Đòi nợ phải chuyên nghiệp, có đạo đức

Liên quan đến lãi suất cho vay tiêu dùng, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương kiến nghị các tổ chức tín dụng cần khảo sát đối tượng vay để đưa ra mức lãi suất phù hợp hơn. Thực tế cho thấy người có thu nhập cao, ổn định thì được hưởng lãi suất thấp trong khi người lao động có thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao. Điều này dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hoà, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: quyền tiếp cận tài chính tiêu dùng của người yếu thế trong xã hội là rất cần thiết. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho họ được tiếp cận tài chính. Về vấn đề lãi suất, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng phương thức tính lãi suất mới quan trọng. Lãi suất thoả thuận không vượt quá 20%/năm, nhưng nếu tính thêm các khoản phí thì lãi suất thực sẽ cao hơn, và lãi suất phải tính theo dư nợ giảm dần chứ không phải dư nợ ban đầu", LS Hòa nói.

Theo LS hòa, đối với việc đòi nợ, các tổ chức tín dụng có thể có nhiều phương thức thu hồi nợ, nhưng không được dùng những phương thức đòi nợ trái pháp luật. Khi công ty tài chính bán nợ cho 1 công ty khác để thu hồi nợ, phải bảo đảm đơn vị đòi nợ hoạt động chuyên nghiệp và có đạo đức…

Để hạn chế tín dụng "đen" hiệu quả

Theo ông ng Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho vay tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua. Năm 2018 cho vay tiêu dùng đạt khoảng trên 500.000 tỉ đồng thì đến nay đã đạt trên 900.000 tỉ đồng.

Năm 2022 cho vay tiêu dùng tăng 21,9% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2023, cho vay tiêu dùng có diễn biến giảm so với cuối năm trước (giảm 0,9%). Trong đó, cho vay tiêu dùng trung dài hạn giảm 0,2% và ngắn hạn giảm 5,2% so với cuối năm ngoái.

Tại buổi tọa đàm, ông Dũng đã đưa ra một số lưu ý để hạn chế tình trạng tín dụng "đen".

Theo đó, để người dân dễ tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng và các công ty tài chính, không rơi vào bẫy tín dụng đen, công tác tuyên truyền không nên dừng lại ở các bản tin, báo cáo, văn bản, báo đài mà nên qua các kênh tuyên truyền của phường, xã, khu phố, tổ dân phố, nhóm công nhân để ai cũng có cơ hội nắm bắt tường tận.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến. Việc này phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp.

Đồng thời cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để nắm bắt thông tin kịp thời về tội phạm kinh tế trong hoạt động ngân hàng, thông tin về các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm