Ngoài CDC tỉnh, Hậu Giang còn 5 đơn vị mua sắm với Công ty Việt Á

(PLO)- Cáo trạng của VKSND tỉnh Hậu Giang xác định ngoài CDC tỉnh Hậu Giang còn năm đơn vị khác có ký kết hợp đồng mua sắm với Công ty Việt Á.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-2, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hậu Giang.

Video: Ngoài CDC tỉnh, Hậu Giang còn 5 đơn vị mua sắm với Công ty Việt Á.

Trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ một số nội dung

Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX tạm dừng phiên tòa để hội ý và quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra, làm rõ một số vấn đề.

Ngoài CDC tỉnh, Hậu Giang còn 5 đơn vị mua sắm của công ty Việt Á
TAND tỉnh Hậu Giang tuyên trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Hậu Giang điều tra, làm rõ một số vấn đề HĐXX yêu cầu. Ảnh: CHÂU ANH

“Vụ án còn một số vấn đề chưa được làm rõ. Do đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Hậu Giang điều tra, làm rõ một số vấn đề HĐXX yêu cầu. Sau khi kết thúc phiên tòa, HĐXX sẽ chuyển hồ sơ cùng các yêu cầu cho VKS” - chủ tọa phiên tòa tuyên.

Theo cáo trạng, từ tháng 7-2020 đến tháng 12-2021, bị cáo Nguyễn Ngọc Lành (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hậu Giang) đã liên hệ với Trần Tiến Lực (nhân viên bán hàng của Công ty Việt Á) để trao đổi về việc mượn kit xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất sử dụng trước rồi thanh toán tiền sau.

Cáo trạng xác định bị cáo Lành là người trực tiếp chỉ đạo Hà Tấn Bình Đẳng (cựu trưởng khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng) lập bảng dự trù vật tư, sinh phẩm hóa chất xét nghiệm; trong bảng dự trù này, Đẳng ghi rõ số lượng, chủng loại, mặt hàng.

Sau đó, chỉ đạo cho bị cáo Huỳnh Thị Hồng Đoan (cựu trưởng khoa dược - vật tư y tế, CDC tỉnh Hậu Giang) soạn thảo văn bản gửi thông qua Lực để mượn hàng; rồi thông đồng, hợp thức hồ sơ, thủ tục cho Công ty Việt Á trúng thầu để trả nợ theo đơn giá do công ty này đưa ra.

Kết quả, đã thanh toán, quyết toán cho Công ty Việt Á sáu gói thầu với số tiền hơn 5,1 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 3,3 tỉ đồng.

Sau khi CDC tỉnh Hậu Giang thanh toán, quyết toán cho Công ty Việt Á sáu gói thầu, Lực báo cáo Phan Quốc Việt chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Lành tổng cộng là 450 triệu đồng, Đẳng tổng cộng là 557 triệu đồng và Đoan tổng cộng gần 86 triệu đồng.

Ngoài CDC còn 5 đơn vị mua sắm của công ty Việt Á

Cáo trạng cũng xác định ngoài CDC tỉnh Hậu Giang còn năm đơn vị khác có ký kết hợp đồng mua sắm với Công ty Việt Á. Cụ thể, Sở Y tế có tổng cộng ba hợp đồng, trong đó, có hai hợp đồng mua kit xét nghiệm cùng hợp chất tách chiết, tổng trị giá ba gói thầu hơn 7,25 tỉ đồng và đã thanh toán, quyết toán hết cho Công ty Việt Á.

Quá trình điều tra cho thấy quá trình mua sắm kit xét nghiệm, Sở Y tế thực hiện hồ sơ mua sắm theo đúng quy trình chỉ định thầu rút gọn. Ngoài ra, quá trình điều tra xác định các cá nhân có liên quan không nhận bất kỳ lợi ích gì từ phía Công ty Việt Á nên không xem xét xử lý.

xu-vu-viet-a-hau-giang-2.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Lành (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hậu Giang) thừa nhận có một lần nhận quà Tết bằng tiền từ Công ty Việt Á. Ảnh: CHÂU ANH

Đơn vị thứ hai là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, theo đó, bệnh viện dù có mượn trước kit xét nghiệm của công ty Việt Á sản xuất thông qua Công ty Nam Phong với trị giá hơn 1,69 tỉ đồng. Tuy nhiên, chưa ký hợp đồng, chưa thanh toán, quyết toán, chưa gây thiệt hại nên không xem xét xử lý.

Đơn vị thứ ba là Bệnh viện đa khoa TP Ngã Bảy, đơn vị này có hai hợp đồng mua kit xét nghiệm và test hóa chất tách chiết với tổng giá trị hơn 6,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, chưa gây thiệt hại vì chưa thanh toán.

Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa TP Ngã Bảy còn ký một gói thầu mua kit xét nghiệm với công ty Nam Phong giá trị hơn 314 triệu đồng và đã thanh lý. Hợp đồng này do ông Đoàn Tấn Kiệt (Trưởng khoa dược, vật tư y tế bệnh viện) và bà Huỳnh Kim Lợi (Nhân viên khoa dược, vật tư y tế bệnh viện) phụ trách thực hiện. Quá trình điều tra cho thấy bệnh viện được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nguồn tiền mua sắm kit xét nghiệm được đơn vị trích từ nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện.

“Căn cứ Thông tư 85/2012 xác định sai phạm chỉ gây thiệt hại cho tập thể bệnh viện, không gây thiệt hại trực tiếp cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, nhận thức được hành vi, ông Kiệt đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền hơn 158,6 triệu đồng đã gây thiệt hại. Cạnh đó, bản thân ông Kiệt, bà Lợi không vì động cơ vụ lợi và cũng không nhận được lợi ích gì từ phía công ty Nam Phong, nên không xem xét xử lý” - cáo trạng thể hiện.

Đơn vị thứ tư là Trung tâm y tế thị xã Long Mỹ. Cụ thể, đơn vị đã ký hợp đồng mua 288 tách chiết của Công ty Việt Á, nhưng chưa thanh quyết toán. Mặt khác, hơn 3.460 kit xét nghiệm mượn trước của Công ty Nam Phong để sử dụng cũng chưa ký hợp đồng, chưa thanh toán, quyết toán, chưa gây thiệt hại nên không xem xét xử lý.

Đơn vị thứ năm là Bệnh viện Đa khoa số 10 đã mua tổng số 672 kit xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất, trị giá hơn 281 triệu đồng theo hình thức thỏa thuận giá trực tiếp rồi xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không ký hợp đồng mua bán với nhau. Hơn nữa, bệnh viện là đơn vị y tế sử dụng nguồn vốn cá nhân để mua sắm kit xét nghiệm, không gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước nên không xem xét xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm