Ngoại ô Sài Gòn: Tưởng không đẹp mà đẹp không tưởng

(PLO)- Ngoại ô TP.HCM có rất nhiều điểm đến đẹp tựa viên ngọc quý mang giá trị ký ức, trải dài “từ thuở mang gươm đi mở cõi” hào hùng đến nét đẹp hiện đại hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đâu chỉ có những công trình kiến trúc độc đáo ghi dấu thời gian mang “thương hiệu” danh tiếng nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành và các khu vui chơi giải trí vang danh Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên… TP năng động nhất cả nước còn rất nhiều điểm đến ở vùng ngoại ô - những nơi tựa viên ngọc quý mang giá trị ký ức, không gian và bản ngã tâm hồn.

Đến Bình Chánh thăm Phật Cô Đơn, khu Láng Le - Vườn Cò

Đi tìm những điểm đến lạ của TP.HCM - những nơi chỉ tai nghe nhưng mắt chưa thấy, nhóm chúng tôi quyết định di chuyển bằng xe máy và mục tiêu khám phá là vùng ngoại ô phía tây nam và tây bắc TP.

Điểm tập kết đầu tiên để bắt đầu chuyến đi là ngã tư An Sương (quận 12). Nhắm hướng tây nam băng cung đường Quốc lộ 1, qua nhiều nút giao và một số ngã rẽ là đến vùng đất Bình Chánh. Nơi này có nhiều điểm đến lý thú nhưng chúng tôi vẫn ấn tượng với hai địa danh: Chùa Bát Bửu và khu di tích Láng Le - Vườn Cò.

Chùa Bát Bửu (tên dân gian là chùa Phật Cô Đơn) - công trình tôn giáo có kiến trúc hình chữ bát in trong khung cảnh bình yên, hoang sơ, cổ kính. Ngôi chùa thu mình giữa cánh rừng bạch đàn xanh mát, rì rào tiếng sóng lá, tượng Phật Cô Đơn trầm mặc trước sân chùa. Ngôi chùa trong dân gian mang tên Phật Cô Đơn nhưng sao không ít con người đến để cầu duyên, tìm một bản thể nửa kia của tâm hồn.

Và ở một tâm thức khác, con người tìm đến đây như tìm lại sự tĩnh lặng, bình yên giữa cuộc sống bốn bề hối hả. Phật Cô Đơn vẫn hiện hữu nơi đó. Cô đơn nhưng không ưu sầu. Nét mặt hỷ xả, ban phát sự may mắn, duyên lành đến cho con người.

Xuyên những con đường nhỏ, tìm đến khu Láng Le - Vườn Cò. Không tấp nập người qua kẻ lại. Không chen lấn, xô đẩy. Khu di tích Láng Le - Vườn Cò lặng lẽ, hiện hữu như một dấu tích lịch sử - nơi in lại dấu chân năm tháng hào hùng của dân tộc ta thời kỳ chống Pháp.

Láng Le - Vườn Cò - cái tên đậm chất Nam Bộ đi vào tâm thức bao thế hệ nơi đây. Người dân Nam Bộ có truyền thống lập làng, dựng xóm cạnh những con rạch, bờ sông. Thiên nhiên Nam Bộ luôn hào phóng. Kênh rạch lắm cá, đầy tôm. Le le, cò và nhiều họ hàng nhà chim làm tổ quanh đây. Tìm tôm, bắt cá. Và cái tên Láng Le - Vườn Cò ra đời từ chính dấu xưa Nam Bộ như vậy.

Chùa Phật Cô Đơn.

Chùa Phật Cô Đơn.

Về Hóc Môn nghe hơi thở làng quê

Chúng tôi di chuyển đến Hóc Môn - địa danh nổi tiếng với 18 thôn vườn trầu. Là một huyện ngoại thành ở phía tây bắc TP, Hóc Môn vẫn mang đậm dấu ấn màu xanh tự nhiên của làng quê Nam Bộ. Chạy men Quốc lộ 22, Hóc Môn hiện ra vẫn là những cánh đồng bạt ngàn lúa; vẫn những bờ kênh, con rạch chằng chịt bắt tay nhau như mạng nhện. Nhịp thở làng quê gần gũi khiến lá phổi được bơm đầy khí trời thanh sạch. Hít sâu và nghe hơi thở làng quê mộc mạc.

Nếu bạn đến Hóc Môn, nhất định phải đến thăm khu di tích Ngã Ba Giồng - nơi được TP quy hoạch, xây dựng thành địa điểm du lịch truyền thống. Di tích Ngã Ba Giồng gây ấn tượng bởi sự sắp xếp ngay ngắn, uy nghiêm - một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Nhiều hình ảnh được tái hiện như nhắc nhở người đến đây về một thời kỳ oanh liệt chiến đấu chống ngoại xâm của quân và dân ta.

Thăm Ngã Ba Giồng để tìm lại câu chuyện mang ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử. Đền tưởng niệm, nhà trưng bày, quảng trường ba tượng đài, 18 thôn vườn trầu… được bao bọc bởi sức sống thiên nhiên như cây xanh, thảm cỏ, ao sen, vườn tre, khóm trúc… Tất cả làm tôn thêm giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu di tích thuộc vùng đất Thành đồng Tổ quốc này.

Tượng đài bất khuất ở khu di tích Ngã Ba Giồng.

Tượng đài bất khuất ở khu di tích Ngã Ba Giồng.

Để trải nghiệm làn gió lạ nơi ngoại ô, bạn có thể di chuyển đến xã Xuân Thới Đông để tham quan Công viên Cá Koi rộng 20.000 m2. Công viên mang phong cách Nhật Bản, tạo sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa kiến trúc xứ mặt trời mọc và sự gần gũi của thiên nhiên làng quê Việt Nam. Nơi này nổi bật với những cây cảnh bonsai nhiều kích cỡ được các nghệ nhân Nhật Bản tạo tác thành nhiều hình dạng lạ mắt. Thật đã mắt khi ngắm dàn vạn tùng niên quý hiếm, có tuổi thọ lâu đời với đủ hình dáng và kích cỡ khác nhau...

Giao diện công viên mang màu xanh của bonsai và tương phản là màu nâu của những viên đá cuội được mài giũa, điêu khắc tỉ mỉ. Từng chi tiết của tạo hình gây ấn tượng từ trong tầm mắt và lối đi dưới chân. Một cây cầu màu đỏ kiểu Nhật Bản bắc ngang con suối và dưới làn nước trong veo - nơi đàn cá koi đủ màu sắc trình diễn, là những điểm nhấn màu nổi duy nhất nơi công viên này. Sự tương phản và hài hòa giữa cảnh vật, màu sắc khiến không gian trở nên yên tĩnh, trầm mặc. Con người đến đây ngoài trải nghiệm điều mới lạ cũng là để tận hưởng, sống chậm, thả trôi ưu phiền theo làn nước và thiên nhiên, gió trời.

Tạo hình những cây bonsai bắt mắt tại Công viên Cá Koi.

Tạo hình những cây bonsai bắt mắt tại Công viên Cá Koi.

Đến quận 12 thấy bao điều mới lạ

Với vị trí đặc biệt, quận 12 như một nơi kết nối các quận nội thành (Gò Vấp, Tân Bình) với các huyện ngoại thành (Hóc Môn, Củ Chi). Chính vì đặc điểm này, quận 12 giống như một nơi vừa đô thị hóa mạnh mẽ nhưng vẫn phảng phất đâu đó sự bình yên của làng quê. Vì điều này, đến quận 12 bạn vẫn sẽ được khám phá những điều mới lạ.

Tu viện Khánh An - một trong những di tích lịch sử nổi bật của TP là điểm đến độc đáo của quận này. Tu viện có những điểm khác lạ so với những ngôi chùa ven đô ở Bình Chánh, Hóc Môn khi mang lối kiến trúc chùa Nhật Bản. Đó là một khuôn viên rộng lớn với những tòa tháp rất bề thế. Điều thu hút chúng tôi là thiên nhiên xanh tốt vẫn còn hiện hữu nơi sân và bao quanh tu viện.

Công viên Cá Koi (huyện Hóc Môn).

Công viên Cá Koi (huyện Hóc Môn).

Những chiếc đèn lồng dán giấy hình lục giác bố trí trước sân tu viện như để con người chiêm nghiệm lại cuộc sống, chiêm nghiệm sáu mặt của chính mình và như một thông điệp về chánh niệm. Vì vậy, ngôi chùa xưa nay đã nổi tiếng truyền cảm hứng sống tích cực, nhân ái, thiện tâm cho bao thế hệ thông qua các khóa tu mùa hè.

Tôi thấy mình sống chậm và bắt gặp những con người bình an. Họ đến đây với tâm trạng có vẻ không buồn, không cầu nguyện, như chỉ để tìm thấy bình yên và cứ muốn giữ nguyên tâm thế bình yên như vậy. Tôi cũng thấy sự vui tươi, hồn nhiên của những bạn trẻ. Nét mặt họ vẽ rõ tâm hồn vô ưu, trong sáng và họ tìm đến chốn này như một cách tận hưởng, trải nghiệm những câu chuyện chưa kể của TP.

Những điểm nhấn bắt mắt ở Công viên Cá Koi.

Những điểm nhấn bắt mắt ở Công viên Cá Koi.

Tìm về thiên nhiên, quận 12 còn bao điều mới lạ, bạn thử tham quan, trải nghiệm một thoáng miền Tây với các hồ câu cá nằm rải rác khu vực phường An Phú Đông; cảm nhận không khí trong lành tại khu du lịch Bến Xưa. Hoang dã hơn, bạn thử tới thăm làng cá sấu Sài Gòn vẫn mang phong cách “xóm nhà lá” thân thiện của miền sông nước…

Tới đây rồi, bạn hãy tham quan khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ - căn cứ cách mạng của người dân Thạnh Lộc, Thạnh Xuân trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nay là khu di tích lịch sử của quận 12. Vườn Cau Đỏ có địa hình rất đẹp với cảnh quan thiên nhiên mát rượi quanh năm, rất thích hợp để dạo mát và nghe kể về những chiến tích hào hùng của các thế hệ trước.

Về vùng ngoại ô, tìm những điểm đến lạ, tôi mãi băn khoăn một câu hỏi: Mải mê khám phá nhiều vùng đất xa nhưng đã đi hết TP mình chưa?

Bạn thấy đấy, chúng tôi mất hai ngày nhưng cũng chỉ khám phá được dăm ba nơi ở khu vực tây nam và tây bắc TP. Những gì chúng tôi cảm được là: Ngay nơi TP năng động của chúng ta, người dân, du khách vẫn có thể hòa với thiên nhiên mộc mạc. Đến đây, ta không chỉ tìm chút bình yên, tìm lại bản ngã, nghe về chiến tích hào hùng mà còn nghe lại chuyện người Nam Bộ một thời “mang gươm đi mở cõi”, tạo dựng cơ đồ.

Mỗi nơi một đặc sản du lịch đặc trưng

Chương trình “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc trưng” do TP.HCM phát động sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho ta một cái nhìn tổng thể hơn về du lịch của TP đầu tàu phía Nam này. Sau những cuộc khảo sát của lãnh đạo TP.HCM cùng các sở, ngành, địa phương, ta nhận ra từ nội đô đến ngoại ô, TP có quá nhiều điểm đến hấp dẫn, lạ lẫm, mà có lẽ nhiều người chưa một lần biết đến. Thực tế, loại hình trải nghiệm nào cũng có ở TP nếu bạn thật sự muốn khám phá.

Đến mỗi quận, huyện bạn đều có thể tìm hiểu nét đặc trưng mang dấu ấn địa phương. Nếu vào quận 1, bạn nên khám phá tour sôi động Sài Gòn hoặc ký ức Biệt động Sài Gòn; trải nghiệm ngắm sông Sài Gòn trên xe buýt sông; ngồi xe buýt hai tầng ngắm các kiến trúc văn hóa mang thương hiệu TP. Và muốn sống chậm, hãy về ngoại ô để được thả hồn cùng những điểm đến đẹp tựa viên ngọc ẩn trong khoảng không gian xanh.

Phố đêm

Đêm dần buông. TP.HCM lộ ra chiếc áo lung linh, tráng lệ. Ánh đèn màu từ tòa Landmark 81 hắt xuống nhấp nháy, biểu tượng cho sự hào nhoáng. Cách đó không xa, tòa Bitexco tỏa sức hấp dẫn không kém với ánh đèn vàng nhấp nháy. Nếu không hiện hữu những ánh đèn cao thấp, xa gần, có lẽ khó nhận ra TP đã chìm vào màn trời đêm.

Dưới những ánh đèn tương phản sắc màu, hoạt động thương mại về đêm vô cùng sôi động đang diễn ra trên những con phố đi bộ. Mỗi đêm con phố Bùi Viện đầu đội chiếc nón lá đặc trưng và ánh đèn sáng quắc mời gọi du khách ghé thăm.

TP.HCM vốn quá quen với đặc sản du lịch “không ngủ”. Sẽ là thiếu vắng nếu đến TP.HCM mà du khách chưa khám phá sự nhộn nhịp về khuya với bao dịch vụ phong phú và đa dạng vô cùng. Du khách đến đây tự nhiên muốn hợp với “gu” và hòa theo tập quán, lối sống của TP không ngủ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm