Khi nhắc đến Ashton Kutcher, người ta hay nghĩ tới một diễn viên điển trai gắn liền với hình tượng lãng tử, bốc đồng, ngốc nghếch trong các phim hài lãng mạn và hai cuộc hôn nhân đình đám với hai cô đào nổi tiếng: Demi Moore và Mila Kunis. Ít ai biết rằng chàng diễn viên 39 tuổi cùng tổ chức phi lợi nhuận của mình lại đang là “hàng phòng thủ cuối cùng” trong cuộc chiến chống buôn bán và lạm dụng tình dục trẻ em.
Từ tình yêu đến sứ mệnh
Sứ mệnh của anh bắt đầu khi anh gặp và đem lòng yêu nữ diễn viên từng được đề cử Quả cầu vàng cho vai diễn trong phim Ghost, cô đào nổi tiếng Demi Moore. Người yêu và sau này là người vợ lớn hơn mình 16 tuổi đã giúp Ashton Kutcher tìm được hướng đi ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Năm 2009, Demi Moore được xem bộ phim tài liệu của MSNBC về tình trạng buôn người và bán trẻ em làm nô lệ tình dục ở Campuchia. Khi tìm hiểu về các vấn nạn nêu trong phim, cô phát hiện tình trạng bắt trẻ em quay phim khiêu dâm và làm nô lệ tình dục không chỉ có ở Campuchia mà còn diễn ra ngay trên đất Mỹ. Từ đó cô quyết tâm phải hành động.
Ashton Kutcher đã cùng vợ sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận DNA (Demi and Ashton Foundaton - quỹ Demi và Ashton) mà sau này được đổi tên thành Thorn: Digital Defenders of Children - Người bảo vệ kỹ thuật số của trẻ em. Tổ chức của cặp vợ chồng ngôi sao Hollywood đặt mục tiêu thúc đẩy các công nghệ đột phá giúp đối phó với nạn lạm dụng tình dục trẻ. DNA đã tiến hành nghiên cứu sát sao tình trạng buôn nô lệ tình dục toàn cầu, sau đó phát triển các công cụ kỹ thuật số để ngăn chặn hoạt động này.
Cô con gái hai tuổi Wyatt Isabelle là động lực để Ashton Kutcher đấu tranh chống nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em. Ảnh: BABYRAZZI
Ashton Kutcher xúc động khi phát biểu về thực trạng lạm dụng tình dục trẻ em trước Thượng viện Mỹ. Ảnh: GETTY
Những vũ khí “tối thượng”
Qua nghiên cứu, tổ chức phát hiện có đến 63% nạn nhân tuổi vị thành niên bị mua bán qua mạng. Từ đó, Thorn đã phối hợp cùng các công ty lớn về công nghệ để phát triển các phần mềm có khả năng phát hiện nạn nhân, những “kẻ săn mồi” trên mạng và đánh sập các diễn đàn hoạt động của những đối tượng tìm kiếm nô lệ tình dục là trẻ em.
Năm 2013, Thorn phối hợp với dịch vụ tin nhắn Twilio tạo ra một đoạn code ngắn cho phép nạn nhân bị lạm dụng tình dục hoặc nhân chứng bí mật nhắn tin kêu cứu. Từ khi được triển khai vào tháng 6-2016, hệ thống này đã tạo điều kiện cho người dùng thực hiện 3.808 cuộc hội thoại bí mật cầu cứu, giúp các lực lượng phản ứng khẩn cấp giải cứu 18 người suýt chút nữa đã trở thành nạn nhân.
Một công cụ mà nhà đồng sáng lập Kutcher hết sức tự hào là Spotlight. Theo anh, công cụ này đã giúp Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện gần 6.000 nạn nhân buôn người chỉ trong sáu tháng, trong đó có gần 2.000 trẻ em. Spotlight cũng đồng thời xác định được hơn 2.000 kẻ buôn người và hàng loạt trang mạng khiêu dâm trẻ em. Hiện nay Spotlight đang được 780 công ty trên khắp nước Mỹ sử dụng.
Vụ ly hôn năm 2012 đã không ngăn cản Ashton Kutcher tiếp tục sứ mệnh của mình. Sau khi đổi tên thành Thorn, tổ chức vẫn đang ngày càng phát triển lớn mạnh, liên kết với hơn 20 công ty công nghệ tạo thành Đội quân công nghệ Thorn. Với uy tín và tâm huyết của mình, Ashton Kutcher đã lôi kéo thêm nhiều gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google, Facebook nhảy vào cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trẻ em.
Trách nhiệm của một người cha
Ashton đã trở thành người phát ngôn cho tổ chức Thorn, quảng bá và nhân rộng ảnh hưởng của tổ chức trên các diễn đàn mà anh có thể sử dụng sự nổi tiếng của mình. Anh thường xuyên giới thiệu về hoạt động của Thorn trên Twitter. Ngày 15-2, Ashton Kutcher đã có một bài phát biểu đầy xúc động trước Thượng viện Mỹ, kêu gọi chấm dứt tình trạng khai thác tình dục trẻ em. Cùng với Elisa Massimino, Giám đốc tổ chức Human Rights First, nam diễn viên Kutcher được mời dự phiên điều trần của Thượng viện để phát biểu với tư cách người đồng sáng lập tổ chức Thorn.
Kutcher kể về những cảnh tượng kinh hoàng mà mình từng chứng kiến trong quá trình đấu tranh với sự xúc động của một người cha: “Tôi đã từng xem video quay cảnh một đứa bé cỡ tuổi con tôi bị một khách du lịch Mỹ ở Campuchia cưỡng hiếp. Đứa bé ngây thơ đến mức tưởng rằng mình chỉ đang đóng kịch mà thôi. Tôi từng nhận được cuộc gọi nhờ giúp đỡ từ Bộ An ninh nội địa, họ cho biết một cô bé bảy tuổi đang bị lạm dụng tình dục và phát tán cảnh quay lên trang web đen. Họ đã theo dõi và biết cô bé bị hành hạ suốt ba năm nhưng không tài nào tìm ra được thủ phạm. Họ đã tìm đến chúng tôi để được hỗ trợ”.
Đáp lại những kẻ từng bảo anh “lo làm công việc chính của mình đi” trên mạng xã hội, Kutcher khẳng khái: “Công việc chính của tôi là chủ tịch và nhà đồng sáng lập Thorn. Chúng tôi phát triển phần mềm để chống lại nạn buôn người và khai thác tình dục trẻ em. Công việc chính còn lại của tôi là làm cha. Tôi tin rằng trách nhiệm của mình là nỗ lực bảo vệ quyền mưu cầu hạnh phúc của các con và bảo đảm rằng xã hội và chính phủ cũng sẽ bảo vệ quyền lợi của chúng”.
Bài phát biểu của Ashton Kutcher đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng trên khắp thế giới. Cũng có nhiều ngôi sao Hollywood đang nỗ lực đi con đường tương tự như Ashton, tiêu biểu như Leonardo di Caprio nhiệt huyết kêu gọi bảo vệ môi trường, hay Emma Watson quyết đấu tranh vì quyền bình đẳng cho nữ giới. “Ashton có khả năng đặc biệt để lan tỏa hiểu biết về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em và kéo thêm nhiều người vào cuộc chiến. Đây là cơ hội để đưa vấn nạn này ra ánh sáng ở Mỹ và toàn cầu” - Giám đốc điều hành Thorn, bà Julie Cordue, nhận định.
Từng tính tự tử để cứu em trai Ashton Kutcher sinh năm 1978 trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa “tương đối bảo thủ” ở Iowa, Mỹ. Anh có một người em sinh đôi tên là Michael không may mắn bị bại não và bệnh tim từ nhỏ. Vì vậy mà trong những năm tháng tuổi thơ, Ashton Kutcher đã phải chịu đựng áp lực và nỗi đau rất lớn khi cái chết lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu người em thân yêu của mình. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà anh sớm có tinh thần vị tha, biết quan tâm tới nỗi đau của người khác và sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ mọi người. Năm 13 tuổi, khi em trai sinh đôi cận kề cái chết và cần phải thay tim gấp, Kutcher thậm chí đã nảy ra ý định tự tử để được hiến tim cho em. May thay, cha Kutcher đã phát hiện kịp thời và kịp ngăn anh nhảy khỏi ban công của BV Cedar Rapids. Chẳng lâu sau đó gia đình Kutcher như sống lại khi nhận được tin đã tìm được người hiến tim cho Michael. Bão tố đã tạm qua đi nhưng trong hoàn cảnh đó, Ashton Kutcher đã bộc lộ phẩm chất vị tha hiếm có của mình. Tháng 8-1996, Kutcher bước vào cổng Trường ĐH Iowa với dự định theo đuổi ngành kỹ thuật hóa sinh với ước mơ tìm ra một phương pháp chữa bệnh cho em trai mình. Ở đó, anh đã được phát hiện và giới thiệu vào một cuộc thi người mẫu. Không lâu sau Kutcher lại được mời đóng vai Michael Kelso trong loạt phim truyền hình hài hước That ’70s Show và chính thức bước vào nghiệp diễn. Từ đó, cuộc đời anh rẽ sang hướng khác, một cuộc đời gắn liền với ánh hào quang, với danh vọng nhưng đồng thời cũng cho anh cơ hội sử dụng sức ảnh hưởng của mình cho mục đích đã thôi thúc anh từ những ngày còn bé: Giúp đỡ mọi người. |